Uỷ ban Kinh tế Quốc hội: Cần đánh giá đúng và trúng thực trạng doanh nghiệp
Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh đến hiệu quả thực hiện các mục tiêu kinh tế của Chính phủ.
Ông Vũ Hồng Thanh cho hay, dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn thuộc mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt hơn 700 tỉ USD, xuất siêu ước khoảng 15 tỉ USD.
Song, mục tiêu tăng trưởng năm nay 6,5% là thách thức lớn, không dễ đạt được trong bối cảnh hiện nay. Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát và tăng trưởng trong nước tăng cao những tháng cuối năm.
5 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội không đạt, trong đó nhiều chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng, như tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Đây là năm thứ ba liên tiếp chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu (năm 2021-2022 chỉ tiêu này thấp hơn mục tiêu 0,09-0,4%).
Sức khỏe doanh nghiệp vẫn khó khăn khi số giải thể, phá sản tăng cao, tính chung 9 tháng là 135.100 đơn vị. Tức bình quân khoảng 15.000 doanh nghiệp rời thị trường mỗi tháng, trong khi số thành lập mới giảm về vốn đăng ký, lao động.
"Doanh nghiệp đối mặt khó khăn thị trường, thiếu đơn hàng, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp và chi phí sản xuất, logistics tăng cao", Ủy ban Kinh tế nhận xét.
Mặt khác, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ dù mặt bằng lãi suất huy động, cho vay giảm. Tăng trưởng tín dụng thấp, chỉ tăng 5,91% đến 21/9.
Thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; nợ xấu tăng gây áp lực lên chi phí vốn và lợi nhuận của ngành ngân hàng. Đến cuối tháng 7.2023, tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, gấp hơn 2 lần cùng thời điểm năm 2022 (1,7%).
"Tình hình khó khăn hiện nay, nếu không được cải thiện thì dự báo nợ xấu sẽ tăng thời gian tới và bào mòn năng lực tài chính của các ngân hàng", ông Thanh nhận xét.
Trong lĩnh vực văn hoá, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhận thấy nguồn lực đầu tư cho văn hóa, giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu. Còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, thể thao, vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Về giáo dục, tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, thiếu trường, lớp học, thiếu trang thiết bị dạy học diễn ra ở một số nơi. Việc thực hiện sách giáo khoa, chương trình mới, chế độ, chính sách cho giáo viên còn nhiều bất cập. Bạo lực học đường, ứng xử lệch chuẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, lạm thu đầu năm học vẫn diễn ra.
Về y tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra ở hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.
Những tháng còn lại năm nay, Ủy ban Kinh tế lưu ý, Chính phủ cần tiếp tục khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế; hoàn thiện cơ chế để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cần đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc.
Có những giải pháp để ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn, tiếp cận vốn tín dụng. Gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp. Kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả.
Đồng thời, xử lý có hiệu quả các bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu trường học, lớp học. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Năm 2024, kinh tế dự báo vẫn chịu tác động tiêu cực kép, thách thức nhiều hơn. Chính phủ đặt mục tiêu năm sau GDP tăng 6-6,5%, thu nhập bình quân đầu người 4.700-4.730 USD và lạm phát 4-4,5%.
Với mục tiêu này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP, cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.