Vải đỏ đóng hộp lên kệ siêu thị Pháp: Hướng phát triển mới cho trái cây Việt tại EU
Thị trường Pháp vẫn còn rất nhiều dư địa cho trái cây Việt
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết hơn 20 tấn vải đóng hộp của Việt Nam đã lần đầu tiên lên kệ hệ thống siêu thị tại Pháp.
Đây là lô vải đóng hộp đầu tiên được nhập khẩu trực tiếp bởi Tang Frères, hệ thống phân phối bán lẻ, nhà nhập khẩu, nhà phân phối bán buôn thực phẩm châu Á lớn nhất tại Pháp.
Đây cũng là lần đầu tiên trái cây đóng hộp của Việt Nam được bày bán trên kệ hàng của một chuỗi phân phối bán lẻ tại Pháp.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá sự kiện này là một thành công rất quan trọng, mở ra một hướng phát triển mới cho trái cây Việt Nam trên thị trường Pháp và Liên minh châu Âu (EU).
Đại sứ Việt Nam tại Pháp chia sẻ: “Mặc dù chúng ta đã có những doanh nghiệp mạnh về trái cây đóng hộp, nhưng cho tới nay các sản phẩm này mới chỉ được nhập khẩu vào Pháp với số lượng ít, qua các đầu mối nhập khẩu nhỏ. Vì vậy, đối với phân khúc thị trường trái cây này, chúng ta vẫn còn rất nhiều dư địa, và các doanh nghiệp cần phải tận dụng tối đa cơ hội, giảm tải cho sức ép rất lớn về đầu ra mỗi khi đến mùa vụ thu hoạch, đồng thời cũng khẳng định năng lực cung cấp trái cây ổn định của các doanh nghiệp Việt Nam đối với các đối tác quốc tế.”
Tuy nhiên, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng lưu ý các doanh nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có được một kế hoạch phát triển bài bản, dài hạn đủ để có thể tiếp cận thị trường khó tính châu Âu, qua đó xây dựng cho bức tranh chung thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value).
Hướng phát triển mới cho trái cây Việt tại EU
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, không chỉ tại Pháp, người tiêu dùng tại EU ngày càng quan tâm và có xu hướng gia tăng tiêu thụ các loại trái cây nhiệt đới, đặc biệt là những loại tốt cho sức khỏe và có hương vị mới.
Thống kê cho thấy, giá trị nhập khẩu của các mặt hàng ngoại như quả vải tươi, chanh dây, khế và thanh long tăng 40% trong 5 năm qua (2015 – 2019) lên 142 triệu euro vào năm 2019. Các loại trái cây nhiệt đới khác như quả lựu – trở thành quả phổ biến hàng năm; chanh dây, vải đỏ, quả lý (hay còn gọi là trái roi, mận lý, trái lê, táo hồng…) cũng được bày bán tại một số nhà bán lẻ lớn vào những dịp khác nhau. Còn chôm chôm, thanh long vẫn được coi là đặc sản. Đây chính là cơ hội để các nhà xuất khẩu trái cây Việt Nam có thể chinh phục thị trường này.
Tuy nhiên, từng thị trường lại có những nhu cầu tiêu thụ khác nhau. Đơn cử như: Đức là một trong những nước tiêu thụ trái cây ngoại nhập khẩu lớn nhất, đặc biệt là lựu và quả lý, cũng như một số quả trái cây nhiệt đới khác; hay Pháp có nhu cầu vải thiều theo mùa rất lớn; trong khi đó Bỉ lại là thị trường có cơ hội tái xuất vải và lựu; Ý có thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhưng hầu hết trái cây nhiệt đới được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước châu Âu khác… Mặc dù có nhu cầu tiêu thụ khác nhau song các loại trái cây “ngoại” vào EU đều phải đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng được tươi, ngon và chất lượng. Đặc biệt là sản phẩm sạch, bền vững và không có thuốc trừ sâu.
Chứng nhận hữu cơ có thể là một điểm cộng bổ sung. Ngoài ra, trái cây “ngoại” được đánh giá tốt hơn nếu sản phẩm được xử lý đóng gói theo công nghệ và vận chuyển bằng đường biển, vừa giúp kéo dài thời hạn sử dụng mà trái cây vẫn giữ độ ngon.
Thực tế, việc vận chuyển bằng đường biển đã giúp tiết kiệm chi phí rất nhiều cho doanh nghiệp xuất khẩu nếu so sánh với việc vận chuyển bằng đường hàng không, bên cạnh đó, giá cả cũng hấp dẫn, phải chăng hơn đối với người tiêu dùng bình dân. Chanh dây là một trong những loại quả khá phù hợp hơn với vận tải đường biển nhờ vào việc cải tiến bao bì bảo vệ và độ chính xác của nhiệt độ được kiểm soát.
Có thể nói, thị trường châu Âu mang đến rất nhiều cơ hội cho các nước có trái cây nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Để cạnh tranh và có chỗ đứng tại thị trường này, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam phải có khả năng cung cấp các sản phẩm chất lượng cao vào các thời điểm cụ thể trong năm và tìm được những người mua quen thuộc với các đặc điểm và phân khúc thị trường.
Tuy nhiên, để vào được thị trường này, điều kiện tiên quyết đặt ra đó là phải tuân thủ các yêu cầu chung đối với trái cây tươi và rau quả. Đó là tránh dư lượng thuốc trừ sâu và chất gây ô nhiễm. Cùng với đó, trong quá trình sản xuất cần giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng cách áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất, vì đây là một chiến lược kiểm soát dịch hại nông nghiệp bao gồm thực hành trồng trọt và quản lý hóa chất. Các nhà xuất khẩu cần tuyệt đối tuân theo các quy định về kiểm dịch thực vật. Những sản phẩm trái cây xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật trước khi được đưa vào EU.
Cùng với đó, cần duy trì các tiêu chuẩn chất lượng cao, cũng như chú ý đến việc bảo quản sản phẩm an toàn, nguyên vẹn trong quá trình vận chuyển và xếp dỡ để đảm bảo trái cây có tình trạng tốt tại thị trường xuất khẩu.