Vẫn tăng trưởng lên tới 80%, lợi nhuận ngân hàng 6 tháng có đáng tin cậy?

23/07/2020 09:16 GMT+7
Bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm 2020 của các ngân hàng dần lộ diện. Bên cạnh những ngân hàng có lợi nhuận đi theo “kịch bản” giảm vì Covid-19, đâu đó vẫn có những nhà băng lợi nhuận tăng trưởng tới 70%-80%. Sự tăng trưởng này khiến giới phân tích bày tỏ nghi ngại về tính xác thực của con số lợi nhuận.

Trong nhóm ông lớn Big4, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính trong khi ở nhóm ngân hàng cổ phần có nhiều gương mặt như: VIB, VPbank, ngân hàng Bắc Á, Kienlongbank, TPBank, Sacombank, SeABank,...

Lợi nhuận đi theo "kịch bản" giảm vì Covid-19

Báo cáo tài chính của Vietcombank cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Vietcombank tương đương cùng kỳ năm trước lần lượt đạt 17.111 tỷ đồng, và 2.283 tỷ đồng. Ngân hàng lãi trước trích lập 14.990 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do Vietcombank mạnh tay trích lập tới hơn 4.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 21%, nên lợi nhuận trước thuế của Vietcombank giảm nhẹ 2,8% xuống 10.981 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.798 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Vietcombank tính đến 30/6 đạt 1,185 triệu tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Cho vay khách hàng trước dự phòng hơn 770.744 tỷ đồng, tăng 5%. Tiền gửi khách hàng ở mức 981.218 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.

Tại Sacombank, tổng thu nhập hoạt động quý II/2020 của nhà băng này đạt 3.560 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động giảm mạnh 13,65% xuống còn 1.973 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sacombank đã trích 1.147 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng tới 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế trong kỳ của Sacombank đạt 440 tỷ đồng, tăng 10,13%.

Mặc dù kết quả tích cực trong quý II nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 1.428 tỷ đồng, vẫn giảm 2,2% so với cùng kỳ.

Tính đến 30/6, tổng tài sản Sacombank đạt 481.898 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 5% lên 310.695 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 6,3% lên 426.236 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), lợi nhuận sau thuế quý II giảm 9,2% đạt gần 140 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã giảm 6,2%, cộng thêm với sự tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro (hơn 45%) đã khiến lợi nhuận trước thuế ngân hàng giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Bac A Bank đạt 353 tỷ đồng và hoàn thành 50,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.

Đóng góp chính vào lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Bac A Bank vẫn là hoạt động tín dụng với khoản lãi 952 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so với cùng kỳ. Ngược lại, lợi nhuận từ mảng dịch vụ kỳ này lại giảm 33,3%, xuống còn 36 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối báo lỗ 14 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 7 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2020, cho vay khách hàng của Bac A Bank chỉ tăng nhẹ 1,5% lên 74.015 tỷ đồng trong khi số dư tiền gửi khách hàng tăng 10,7% lên 84.278 tỷ đồng.

Vẫn tăng trưởng lên tới 80%, lợi nhuận ngân hàng 6 tháng có đáng tin cậy? - Ảnh 2.

Nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng "ấn tượng" về kết quả lợi nhuận bất chấp Covid-19

Tương tự, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của LienVietPostBank đạt hơn 1.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, tương đương 59% kế hoạch cả năm (1.700 tỷ đồng).

Tính tới 30/6/2020, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt 213.729 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm trước, trong đó cho vay khách hàng tăng 8,4% lên 152.324 tỷ đồng. Số dư tiền gửi tăng 5,2% đạt 143.918 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Kienlongbank gấp 3,2 lần cùng kỳ, ghi nhận 79 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng cụ thể của các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác theo phương án xử lý nợ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế và sau thuế trong 6 tháng đầu năm của Kienlongbank giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 103 tỷ đồng và 82 tỷ đồng.

Cuối tháng 6, tổng tài sản của Kienlongbank đạt 55.425 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 2%, đạt 34.146 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 10,4% đạt 36.249 tỷ đồng.

Nhà băng lợi nhuận tăng "ấn tượng" bất chấp Covid-19

Ở chiều ngược lại, VPbank là ngân hàng đầu tiên ghi nhận lợi nhuận "ấn tượng" trong nửa đầu năm 2020. Theo báo cáo tài chính quý II/2020 của VPbank công bố mới đây, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý đạt 3.673 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ 2019.

Trong quý II, thu nhập lãi thuần đạt 7.700 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ và là mảng duy nhất ghi nhận sự tăng trưởng. Các mảng dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, kinh doanh, đầu tư chứng khoán và ngay cả hoạt động kinh doanh khác cũng ghi nhận lãi thuần giảm, trong đó, lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán giảm mạnh nhất 68,5%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ghi nhận tăng trưởng 51,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nửa đầu năm, cho vay khách hàng của VPbank tăng trưởng 5% trong khi đó, số dư tiền gửi khách hàng tăng 10,7% đạt 236.776 tỷ đồng.

Bên cạnh VPbank, TPBank cũng báo lãi trước thuế 2.034 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Con số này tăng 25% so với cùng kỳ.

Tính đến hết 30/06/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 181.000 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đặt ra trong năm 2020. Tổng huy động đạt trên 162.000 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm tăng trưởng tín dụng của TPBank đạt gần 11% so với năm trước trong khi toàn ngành chỉ đạt xấp xỉ 3%

Hay như trường hợp của PG Bank, trong nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng âm nhưng lợi nhuận của nhà băng này lại tăng tới 76% trong nửa đầu năm.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 110 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 88 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước tăng trưởng lần lượt 75% và 76%.

Tính đến 30/6/2020, tổng tài sản ngân hàng tăng 2,4% đạt 32.340 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng giảm nhẹ 1,2% xuống 23.148 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 9% lên mức 27.678 tỷ đồng.

Tín dụng tăng trưởng âm, cùng với đó, tổng giá trị nợ xấu của PG Bank giảm 4,1% xuống 716 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này cũng chỉ còn 3,09%.

Lợi nhuận trước thuế của SeABank cũng tăng gần 64% trong 6 tháng đầu năm 2020, bất chấp Covid-19 và hoàn thành 44,4% mức lợi nhuận mục tiêu đề ra trong năm nay.

Trong đó, lợi nhuận hoạt động kinh doanh thuần của SeABank tăng mạnh 31,1% cùng với chi phí dự phòng rủi ro được cắt giảm hơn 10% khiến lãi trước thuế nửa đầu năm đạt 669 tỷ đồng, tăng tới 63,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản cua SeABank đạt 161.540 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm nhẹ 0,6% xuống mức 98.003 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 4,7% lên 100.233 tỷ đồng.

Với những con số lợi nhuận tăng trưởng "ấn tượng" của một số nhà băng trong nửa đầu năm nay, nhiều chuyên gia bày tỏ nghi ngại về tính xác thực của con số lợi nhuận.

TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, trong số liệu của các ngân hàng công bố hiện nay, về cơ bản là nhiều ngân hàng chưa trích lập hết dự phòng rủi ro cho nên lợi nhuận vẫn tăng. Thông thường các ngân hàng sẽ trích lập dự phòng rủi ro vào cuối quý, nhất là vào cuối quý IV, khi đó mức độ phản ánh về lợi nhuận ngân hàng mới sát hơn. Vì vậy, lợi nhuận 6 tháng chưa phản ánh đúng mức độ tác động của dịch Covid-19.

Cũng cần phải lưu ý rằng, tác động của dịch Covid-19 tới ngành ngân hàng sẽ có độ trễ nhất định. Vì vậy, theo dự báo quý III và quý IV tác động của đại dịch tới ngành ngân hàng sẽ rõ nét. Theo tính toán, trong năm 2020 dự kiến lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm từ 30.000 - 34.000 tỷ đồng, tương đương với mức giảm từ 20 - 25% so với kế hoạch ban đầu.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục