VDSC: VN Index giao động khoảng từ 1.370 đến 1.470 trong tháng 7
Báo cáo Chiến lược đầu tư Tháng 7 với tiêu đề: “Nắm bắt sự luân chuyển tích cực của dòng tiền” của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, HOSE: VDS) cho biết, tính đến ngày 30/6/2021, VN Index hiện đang giao dịch với mức P/E 19,2 lần, cao hơn 19% so với mức P/E trung bình 3 năm (16,2 lần) nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2018 khi P/E chạm mốc 22,2 lần.
Do đó, VDSC nhận định mức định giá của thị trường hiện nay không còn được coi là quá rẻ. VDS duy trì quan điểm tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE sẽ đạt mức từ 10% đến 20% trong năm 2021.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này cũng nâng P/E mục tiêu lên mức 17 lần (kì vọng cao hơn về thị trường khi hệ thống giao dịch mới được vận hành) và đưa ra khuyến nghị vùng dao động cho chỉ số VN Index trong khoảng từ 1.370 đến 1.470.
Theo VDSC, trong tháng 7, dựa vào danh sách các cổ phiếu công ty theo dõi và khuyến nghị trong nhóm VN30 (chiếm ~70% giá trị vốn hóa toàn thị trường tại 30/6/2021), một số cổ phiếu vốn hóa lớn bao gồm TCB, GAS, MSN, VHM sẽ là động lực dẫn dắt VN-Index.
Các cổ phiếu vốn hóa trung bình thuộc nhóm Chứng khoán, Tiêu dùng, Tiện ích cũng sẽ đóng góp tốt lên thị trường chung (với tỷ trọng nhỏ hơn) khi triển vọng KQKD quý 2 năm 2021 là tương đối tích cực.
VDSC thận trọng với nhóm cổ phiếu Du lịch và Giải trí, Bán lẻ trước tác động tiêu cực của dịch bệnh khi quá trình giãn cách kéo dài.
Trong lịch sử, thị trường phản ứng tích cực vào tháng 7 (mùa ra báo cáo KQKD Q2) nhưng Covid-19 đã phá vỡ chuỗi tăng điểm đó vào năm 2020 nên sự thận trọng là có cơ sở khi mức độ dịch bệnh lần này có mức độ nghiêm trọng cao nhất từ trước đến giờ.
Báo cáo của VDSC cho thấy sự dịch chuyển của dòng tiền từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sang các nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn trong tháng 6, một điểm tích cực cho thấy dòng vốn đầu tư vẫn được duy trì trong thị trường và đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Trên thực tế, chỉ số VN70 (đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa) và chỉ số VN Small cap (đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ) đã ghi nhận hiệu suất đầu tư tốt hơn so với chỉsố VN30 Index, khi các cổ phiếu Ngân hàng chiếm tỷ trọng khá cao trong rổ chỉsố này (39%) và đa phần có hiệu suất đầu tư không quá cao trong tháng 6.
Theo VDSC, mùa công bố BCTC đang đến gần, và luồng thông tin này vẫn sẽ là câu chuyện hấp dẫn trong tháng 7.
Trong khi không ít cổ phiếu vốn hóa lớn đã có đà tăng giá rất mạnh kể từ cuối Q1-2021 trước những dự báo về tăng trưởng LN tích cực trong Q2- 2021 (như các cổ phiếu ngân hàng, thép, CNTT), nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa dường như vẫn chưa có mức tăng trưởng tương xứng với KQKD vốn cũng được dự báo khả quan.
Điều này phần nào được thể hiện qua chỉ số P/E 2021F của VN70 vẫn đang hấp dẫn hơn tương đối so với P/E 2021F của VN30, sau khi diễn biến khá tương đồng trong khoảng từ tháng 2 tới cuối tháng 4.
"Do đó, chúng tôi kỳ vọng các cổ phiếu vốn hóa vừa có KQKD Q2-2021 được dự báo có tính đột biến cao nhiều khả năng sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn của thị trường trong tháng này", báo cáo VDSC nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, VDSC khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu DPM, SMC, MSH, GMD, KDH, DXG, và giải ngân vào những cổ phiếu thuộc ngành chứng khoán, tiêu dùng (QNS), DV tiện ích (PC1).
Trong khi hầu hết những cổ phiếu trên thuộc nhóm vốn hóa vừa, VDS cũng ưa thích hai cổ phiếu vốn hóa lớn là MSN và VHM, nhờ những câu chuyện riêng hấp dẫn, và nhóm dầu khí, với sự hỗ trợ từ diễn biến được dự báo tiếp tục thuận lợi của giá dầu.
Cuối cùng, VDS khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời đối với một số cổ phiếu vốn hóa lớn bao gồm HPG, ACB, VCB (đạt hiệu suất đầu tư lần lượt là 52%, 32%, 20% tính từ thời điểm khuyến nghị).
Trong khi VCB, ACB đã đạt mức giá kỳ vọng, VDSC cho rằng đợt tăng giá vừa qua của HPG đã phản ánh phần lớn kỳ vọng LN của Q2-2021, chưa kể giá thép xây dựng cũng đang có xu hướng chững lại gần đây.
VDS cho rằng NĐT nên lựa chọn thời điểm chốt lời thích hợp, khi những thông tin BCTC Q2-2021 dần được hé lộ.