VEAM dự kiến chia cổ tức 2022 bằng tiền tỷ lệ 37,3%, Bộ Công thương có thể nhận về 4.390 tỷ đồng
Ngày 20/6 tới, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam -CTCP (VEAM, UPCoM: VEA) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 tại Hà Nội.
Theo tài liệu dự trình, VEAM dự kiến chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023 công ty mẹ với doanh thu đạt 1.187,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính đạt 6.579,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 5.699 tỷ đồng.
VEAM đặt mục tiêu đạt tăng trưởng mạnh về doanh thu bán hàng từ các sản phẩm công nghiệp gắn liền với kết quả triển khai nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Tập trung tiêu thụ xe tồn kho lâu năm tại VEA; tích cực triển khai tìm kiếm đối tác chiến lược và nghiên cứu thị trường để sản xuất các dòng xe tải mới tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và khai thác công nghiệp phụ trợ để tận dụng trang thiết bị nhà xưởng...Doanh thu thương mại, dịch vụ cũng được xây dựng mục tiêu tăng 61% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu doanh thu bán hàng.
Năm 2023 Tổng Công ty sẽ xây dựng phương án bán hàng tồn kho xe ô tô Changan và máy kéo ISEKI bao gồm bán tại các đại lý và bán đấu giá; tìm kiếm đối tác có uy tín trong và ngoài nước để hợp tác phát triển sản phẩm mới; Tiếp tục đấu giá lần 5 xe tồn kho tại VEAM để thu hồi vốn sớm...
Công ty cũng sẽ hoàn thiện đề án tái cơ cấu với mục tiêu cổ phần hóa một số công ty TNHH, thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp của VEAM nhưng hoạt động không hiệu quả và có ngành nghề hoạt động không tập trung vào định hướng phát triển của VEA; khắc phục sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp VEAM.
VEAM cho biết các hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn của Công ty mẹ dự báo tiếp tục đạt hiệu quả trong năm nay. Mục tiêu doanh thu tài chính ước tăng 11,2% so với mức thực hiện của năm 2022. Nhưng công ty dự kiến sẽ trích lập một số khoản dự phòng trong năm 2023, đó là lý do vì sao mục tiêu lợi nhuận sẽ chỉ tăng nhẹ.
Các khoản trích lập này chưa được thực hiện trong năm 2022 và các năm trước đây. Tài liệu VEAM công bố không cho biết các khoản trích lập đó sẽ gồm những hạng mục gì.
Là doanh nghiệp kinh doanh chính trong lĩnh vực cơ khí, ôtô nhưng nguồn thu lớn nhất của tổng công ty này lại đến từ các liên doanh. Hiện VEAM sở hữu 30% cổ phần tại liên doanh Honda Việt Nam, 20% tại Toyota Việt Nam và 25% tại Ford Việt Nam. Do vậy, đặc thù kinh doanh của VEAM là lợi nhuận thường cao gấp nhiều lần doanh thu.
Công ty cũng trình kế hoạch sẽ chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE. Dự định này đã được cổ đông thông qua từ năm 2022, nhưng chưa hoàn thành do chưa đáp ứng đầy đủ quy định về niêm yết.
Đáng chú ý, HĐQT công ty dự trình kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 37,3% (1 cổ đông nhận về 3.734 đồng), dự kiến VEAM sẽ chi hơn 4.962 tỷ đồng để thanh toán cho hơn 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Tính tới 31/3, Bộ Công Thương nắm giữ hơn 88,47% vốn cổ phần tại VEAM. Nếu kế hoạch này được thông qua, Bộ Công thương sẽ nhận về gần 4.390 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức này.
Trong quý I/2023, công ty mẹ VEAM ghi nhận doanh thu thuần đạt 96,5 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 9,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 10% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính tăng 44% lên 238,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 24% xuống 4,9 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7% lên 32,2 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của VEAM đạt 155,3 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải trình về kết quả này, VEA cho biết do doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng kỳ này tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.