Vì đâu kinh tế châu Á phục hồi chậm từ đại dịch?

06/07/2021 15:17 GMT+7
Tương tự như chi tiêu tiêu dùng suy yếu tại Trung Quốc khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, các quốc gia châu Á khác cũng đang ghi nhận doanh số bán lẻ yếu kém.

Lloyd Chan, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics nhận định: “Tại hầu hết các khu vực trên toàn châu Á, chúng tôi ghi nhận chi tiêu tiêu dùng cá nhân đang phục hồi nhưng với tốc độ chậm và chưa thể trở lại mức trước đại dịch”.

Theo nhà phân tích này, đà phục hồi là không đồng đều và gặp phải nhiều thách thức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đại dịch vẫn diễn biến phức tạp với một số ổ dịch bùng phát lẻ tẻ tại nhiều quốc gia châu Á.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thành công trong việc phục hồi kinh tế và ngăn chặn các làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo bùng phát. Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn bị kìm hãm bởi chi tiêu tiêu dùng suy yếu bất chấp những nỗ lực kích thích chi tiêu từ chính phủ.

Trong khi đó, tại nhiều quốc gia châu Á khác, làn sóng dịch tiếp theo bùng phát đã buộc các chính phủ áp đặt trở lại những biện pháp phong tỏa, hạn chế xã hội; đồng thời gây áp lực tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng, theo nhận định của Taimur Baig, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng DBS tại Singapore.

Vì đâu kinh tế châu Á phục hồi chậm từ đại dịch? - Ảnh 1.

Kinh tế châu Á phục hồi chậm chạp khi chi tiêu tiêu dùng suy yếu (Ảnh: Getty Images)

“Như những gì ta thấy trong năm ngoái, sự di động là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Dù rằng khi bạn ở nhà, bạn vẫn có thể đặt hàng thông qua các kênh thương mại điện tử. Nhưng bạn không chi tiền theo cách có thể nếu bạn ra ngoài một cách thường xuyên” - ông Taimur Baig nói thêm.

Ở khu vực Đông Á, chẳng hạn Nhật Bản, một số tỉnh như Okinawa vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp. Các khu vực khác bao gồm cả Tokyo vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế kiểm dịch.

Tại Đông Nam Á, tình trạng nghiêm trọng hơn diễn ra ở một số quốc gia. Hồi cuối tháng 6, Bộ trưởng Y tế Indonesia cho biết một số tỉnh của đất nước này đang thiếu giường bệnh khi các ca nhiễm Covid-19 do biến thể Delta mới tăng đột biến.

Tại Nam Á, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 30 triệu ca nhiễm Covid-19 tính đến cuối tháng 6. Đây là ổ dịch lớn thứ hai toàn cầu chỉ sau Mỹ. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ đã quá tải trầm trọng, khiến tỷ lệ tử vong tăng vọt. Có ít nhất 402.000 người đã tử vong do dịch Covid-19 tại Ấn Độ cho đến nay.

Cuộc khủng hoảng y tế - xã hội gây áp lực lớn lên các nền kinh tế. Thực tế là các chính phủ châu Á đã nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng mạnh hơn so với các nước phương Tây. Việc gánh nặng nợ tăng vọt như vậy có thể ảnh hưởng nặng nề đến đà phục hồi kinh tế của các nước châu Á, theo nhận định của ông Taimur Baig.

Nhà kinh tế của DBS cho biết: “Chừng nào các hạn chế di chuyển chưa được dỡ bỏ hoàn toàn, chúng ta vẫn sẽ chứng kiến sự phục hồi rất chậm chạp trong chi tiêu tiêu dùng”.

Có một yếu tố khác ảnh hưởng đến đà phục hồi chậm của châu Á: tốc độ tiêm chủng chưa bắt kịp các quốc gia phương Tây. Nguyên nhân chính là do tình trạng thiếu hụt vắc xin Covid-19.

Lloyd Chan, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics kỳ vọng việc tăng tốc độ tiêm chủng trong tương lai có thể là giải pháp kích thích chi tiêu tiêu dùng cá nhân ở châu Á tăng vọt. Tuy nhiên, nhà phân tích Taimur Baig không lạc quan như vậy. “Các quốc gia châu Á cần rất nhiều tháng nữa mới đạt đến tỷ lệ tiêm chủng cần thiết (để đạt miễn dịch bầy đàn)”.

Ngay cả ở những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, tính đến 1/7, mới chỉ có 12,65% dân số Nhật Bản đã được tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin Covid-19, theo theo Our World in Data.

Ở Đông Nam Á, các quốc gia như Indonesia và Philippines đều mới chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin cho khoảng 5% dân số. Chỉ có Singapore là ngoại lệ, quốc gia này có tới 37% dân số đã được tiêm chủng đủ liều vắc xin Covid-19, tính đến ngày 4/7.

Để so sánh, tỷ lệ dân số đã được tiêm chủng đầy đủ ở các quốc gia tiên tiến phương Tây như Mỹ và Anh hiện lên tới 40%.


NTTD
Cùng chuyên mục