Việt Nam vượt Singapore, quy mô nền kinh tế có thể vượt mốc 500 tỷ USD năm 2021

05/07/2021 06:56 GMT+7
Không cần đến 10 năm như dự báo của DBS Bank, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng đuổi kịp và vượt Singapore, lọt top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN.

Về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, có nhiều chỉ dấu cho thấy GDP nền kinh tế có thể cán mốc 500 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Việt Nam không cần đến 10 năm để vượt qua Singapore

Nhóm chuyên gia của DBS Bank từng nhận định, kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng khoảng từ 6 – 6,5% trong thập kỷ tới, nhờ sức hút mạnh mẽ FDI và tăng trưởng năng suất.

Theo DBS Bank, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 6-6,5%, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa.

DBS đưa ra mốc cho rằng Việt Nam ‘đuổi kịp và vượt Singapore (tính đến 2029- 2030), dựa trên một số cơ sở nhất định. Đặt giả thiết, Việt Nam có thể tăng trưởng bình quân 5,5% trong những năm tới và trung bình khoảng 6-6,5% trong trung hạn khoảng 10 năm. Tỷ lệ tăng trưởng dân số ngắn hạn trong độ tuổi lao động của Việt Nam là 1% rồi giảm dần xuống 0,5%. Các nền kinh tế khu vực cũng giữ mức tăng trưởng bình quân vốn có, với Singapore là 2,5%

Điều đáng chú ý là, không cần đợi đến 10 năm, thực tế, Việt Nam đã vượt qua Singapore về mặt quy mô kinh tế chỉ một năm ngay sau đó.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 31/12/2020, năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN, GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN. Bất chấp đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng đầy bản lĩnh.

Như vậy, Việt Nam đã vượt qua Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), khẳng định vị trí vững vàng trong top 4 nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á (sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD, Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD).

Nikkei Asia nhận định, nhờ vào tăng trưởng đáng ngạc nhiên của nền kinh tế bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam thể hiện được mốc bứt phá đáng khen ngợi.

Truyền thông Nhật Bản cho rằng, nếu Đài Loan và Hàn Quốc có thể đảm nhận những vai trò quan trọng đối với chuỗi cung ứng công nghệ, thì tại sao không phải là Việt Nam?. Điều này được một lãnh đạo của Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex nói chia sẻ với Nikkei.

Các dự báo mới nhất của các thể chế kinh tế lớn như IMF, ADB cũng cho rằng, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm nay vẫn sẽ vượt lên so với Singapore và Malaysia.

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện vẫn nắm giữ mức tăng trưởng kinh tế an toàn, đủ để duy trì vị trí thứ 4 về quy mô kinh tế trong khối ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Là một đất nước có nền kinh tế với độ mở cao, tăng trưởng của Việt Nam sẽ nhận được hỗ trợ rất lớn khi nền kinh tế thế giới phục hồi.

Việt Nam vượt Singapore, quy mô nền kinh tế có thể vượt mốc 500 tỷ USD năm 2021 - Ảnh 1.

Trong năm 2021, việc nhiều nước đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 và mở cửa trở lại đã giúp vực dậy nền kinh tế. Theo dự báo, sau một năm 2020 tăng trưởng âm 3,5%, thì năm nay kinh tế thế giới có thể trở lại với mức tăng trưởng 6% (theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế phát hành tháng 4/2021).

Thậm chí, trong báo cáo tháng 5/2021, Fitch Ratings còn cho rằng GDP toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 6,3%, cao hơn mức 6,1% như báo cáo tháng 3/2021. Còn theo WTO, thương mại toàn cầu sẽ tăng 8,3% trong năm nay và 6,3% năm 2022.

Ngoài những ảnh hưởng từ việc nền kinh tế thế giới khởi sắc trở lại, thì việc các nước tham gia FTA thế hệ mới cùng với Việt Nam (như CPTPP, EVFTA, RCEP…) cũng được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư, cơ hội mở rộng thị trường và giá cả để kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và trưởng trong thời gian tới.

Nửa đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2%. Xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang Hoa Kỳ tăng 49,8%, sang Trung Quốc tăng 26%, sang ASEAN tăng 23,7%, sang EU tăng 20,8%, sang Hàn Quốc tăng 17,1% và sang Nhật Bản tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP vào khoảng 6,6% trong năm 2021. Đây cũng là mức tăng trưởng dự báo cao nhất trong khu vực ASEAN.

Kinh tế Việt Nam giữ vững các động lực tăng trưởng 2021

Mặc cho làn sóng dịch Covid-19 bùng lên vào cuối tháng 4 đang có diễn biến phức tạp, các động lực phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn đang tiếp tục được duy trì ổn định theo đà phát triển từ năm 2020.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê ghi nhận, GDP của 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%. Đặc biệt, GDP quý II/2021 tăng 6,61%, cao hơn mức tăng 4,48% của quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020 (đóng góp 8,17% vào mức tăng chung). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36% (đóng góp 59,05%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 11,42% tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế/ Khu vực dịch vụ tăng 3,96% (đóng góp 32,78%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường nh bán buôn và bán lẻ tăng 5,63%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%.

Trong 6 tháng đầu năm, có tổng số 93,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 34,3% về vốn đăng ký.

Trong quý II/2021, có tới 68,2% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang hoạt động tốt hơn so với quý I và vẫn tiếp tục giữ ổn định. Có 77,8% số doanh nghiệp được dự báo sẽ còn hoạt động tốt hơn trong quý III hoặc ổn định so với quý II/2021.

Ngoài ra, so với cùng kỳ năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9%.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các dòng vốn phát triển kinh tế đều tăng. Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lao động đang làm việc trong nền kinh tế cả nước cũng có sự gia tăng so với năm 2020.

Giá cả thị trường tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,47% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.



PV
Cùng chuyên mục