Qua đỉnh dịch, điều gì chờ đợi nền kinh tế Ấn Độ?

04/07/2021 18:14 GMT+7
Khi đỉnh dịch Covid-19 qua đi, người Ấn Độ bắt đầu quan ngại về tương lai khi nền kinh tế đã tổn thương sâu sắc sau cuộc khủng hoảng đại dịch.

Theo thống kê chính thức của chính phủ Ấn Độ, tính đến ngày 4/7, đã có ít nhất 30,5 triệu ca nhiễm và hơn 402.000 trường hợp tử vong vì dịch Covid-19. Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng đến nỗi không chỉ những người giàu có nhất đất nước mà cả một số người thuộc tầng lớp trung lưu cũng gom góp gia tài đổi lấy một chuyến chuyên cơ riêng để thoát khỏi đất nước, lánh nạn đến quốc gia khác. Nếu ở lại trong nước, ngay cả những người giàu có cũng không được sắp xếp giường bệnh hay mua được bình oxy nếu nhiễm Covid-19 do tình trạng khan hiếm vật tư và quá tải hệ thống y tế.

Giờ đây, khi dịch bệnh được đánh giá là đã qua đỉnh, người Ấn Độ bắt đầu quan ngại về tương lai khi nền kinh tế đã tổn thương sâu sắc sau cuộc khủng hoảng đại dịch.

Các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan khi nhìn trong dài hạn và thấy rằng đà phục hồi của kinh tế Ấn Độ là rõ rệt. Thị trường trái phiếu, cổ phiếu và đồng rupee mạnh mẽ hiện tại là một minh chứng cụ thể. Hàng loạt đợt niêm yết công khai lần đầu (IPO) của Reliance Jio thuộc “đế chế” Reliance dưới quyền tỷ phú Mukesh Ambani, công ty giáo dục trực tuyến Byju's và Paytm do Alibaba hậu thuẫn chắc chắn sẽ huy động được dòng vốn khổng lồ chảy vào.

Nhưng với những lĩnh vực kinh tế khác, việc phục hồi trong ngắn hạn là khó khăn. 77% người lao động trong các cuộc khảo sát do Bank of America thực hiện gần đây cho biết họ đã bị sa thải hoặc cắt giảm thu nhập. Cụ thể, 20% người được hỏi cho biết họ bị mất việc và 57% còn lại bị giảm lương. Các nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm 2021 của Ấn Độ sẽ suy giảm 8% so với thời điểm trước đại dịch.

Nhóm các nhà kinh tế Ấn Độ tại JPMorgan nhận định: “Các hộ gia đình đã ngừng vay tín dụng và doanh nghiệp thì ngừng đầu tư”. Tăng trưởng tín dụng của Ấn Độ đã chậm lại trong cả năm nay. Có rất ít động lực cho thấy nó sắp có chiều hướng tăng trở lại.

Mặc dù có dân số gần tương đương với một gã khổng lồ châu Á khác là Trung Quốc, nhưng doanh thu thương mại điện tử từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng của Ấn Độ vào năm ngoái chỉ đạt 38 tỷ USD, theo Redseer. Con số này phản ánh phản ánh mức thu nhập thấp và việc làm chất lượng thấp tại Ấn Độ. Ngược lại, con số này ở Trung Quốc lên tới 1,8 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế Ấn Độ thời kỳ đại dịch. Chẳng hạn, chính quyền New Delhi đã đưa ra hàng loạt biện pháp khuyến khích sản xuất trong nước để thuyết phục các công ty địa phương cũng như hút vốn FDI từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp các mặt hàng điện tử như smartphone. Sản xuất hiện chỉ đóng góp 17% vào GDP Ấn Độ. Trong khi đó, các nhà sản xuất smartphone tại Ấn Độ chi tới 60 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài.

Ngoài ra, việc hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ và kết nối đường sắt sẽ giúp tăng cường công suất cơ sở hạ tầng giao thông, giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn trước đây, tạo điều kiện cho các ngành sản xuất dịch vụ phát triển.

Bà Lavanya Venkateswaran, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Mizuho trước đó từng nhận định trọng tâm thực sự quyết định sự phục hồi kinh tế của Ấn Độ là chính phủ New Delhi sẽ quản lý ra sao để đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng trong nửa cuối năm 2021. Mối quan tâm lớn hơn nữa là làm thế nào xoa dịu tổn thất mà đại dịch gây ra với khu vực kinh tế phi chính thức - đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong nền kinh tế.

Theo các nhà kinh tế, nửa cuối năm 2021 là thời điểm đặc biệt quan trọng để Ấn Độ đẩy mạnh chương trình tiêm chủng phòng chống Covid-19 và giảm thiểu nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC cho hay: “Cuối cùng, vấn đề nằm ở tốc độ tiêm chủng. Chúng ta cần đạt được mức độ tiêm chủng cao để kiểm soát bền vững các làn sóng bùng phát tiếp theo. Điều đó rất quan trọng với tăng trưởng kinh tế”.

Ông Neumann lạc quan rằng dựa trên thực tiễn nền kinh tế năm ngoái, Ấn Độ có xu hướng phục hồi nhanh chóng sau làn sóng dịch bệnh đầu tiên. Do đó, ông kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện vào cuối quý III tới đây, khi quốc gia thành công kiểm soát làn sóng dịch thứ hai.

Kaushik Das, nhà kinh tế trưởng phụ trách Ấn Độ và Nam Á tại Deutsche Bank cũng đồng quan điểm khi cho rằng tốc độ tiêm chủng nhanh chóng sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro hạ cấp tăng trưởng GDP, vốn là mối quan tâm lớn với các nhà đầu tư muốn đổ vốn vào thị trường.


NTTD
Cùng chuyên mục