Vì đâu "vua cá tra" một thời - Thủy sản An Giang (AGF) chìm trong thua lỗ, âm vốn sở hữu 169 tỷ đồng?

05/06/2022 10:23 GMT+7
Hiện lỗ lũy kế của Thủy sản An Giang lên 863 tỷ đồng. Năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 750 tỷ đồng, tăng 59,4% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 12 tỷ đồng, đi ngang so với kế hoạch năm 2021, trong khi thực hiện năm 2021 lỗ 92,35 tỷ đồng.

Công ty CP xuất khẩu thủy sản An Giang (UPCoM: AGF) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 dự kiến tổ chức ngày 17/6/2022.

Năm nay, theo đánh giá của Thủy sản An Giang, tình hình sản xuất của công ty vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu xuất khẩu dần khôi phục, các nhà máy sản xuất của công ty sẽ hoạt động hết công suất, các đơn hàng xuất khẩu bắt đầu tăng trở lại.

Theo đó, Thủy sản An Giang đặt mục tiêu doanh thu đạt 750 tỷ đồng, tăng 59,4% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 12 tỷ đồng, đi ngang so với kế hoạch năm 2021, trong khi thực hiện năm 2021 lỗ 92,35 tỷ đồng.

Vì đâu "vua cá tra" một thời - Thủy sản An Giang (AGF) chìm trong thua lỗ, âm vốn sở hữu 196 tỷ đồng? - Ảnh 1.

Kế hoạch kinh doanh của Thủy sản An Giang năm 2022.

Trong năm 2022, Thủy sản An Giang cho biết sẽ tập trung vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm fillet, giảm quy mô vùng nuôi nguyên liệu, thu gọn và thanh lý một số vùng nuôi không đạt hiệu quả dể thu hồi nguồn vốn trả nợ cho các ngân hàng để giảm bớt áp lực lãi vay.

Công ty cơ cấu lại hệ thống bán buôn, các đại lý phân phối hàng giá trị gia tăng trong nước để tăng hiệu quả, giảm giá thành đủ sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, sắp xếp lại các bộ phận, đơn vị theo hướng tinh gọn, tiết giảm các chi phí quản lý doanh nghiệp, bán hàng để mang lại hiệu quả.

Năm 2021, Thủy sản An Giang lỗ hơn 92 tỷ đồng. Công ty cho biết, nguyên nhân do dịch Covid-19 khiến công ty phải tạm dừng hoạt động 3 tháng gây thiệt hại hơn 45 tỷ đồng, cộng với kết quả kinh doanh không thuận lợi từ nhiều năm trước khiến công ty lỗ lũy kế hơn 754 tỷ đồng. 

Từ đó, các ngân hàng siết chặt nguồn vốn cho vay, dẫn đến thiếu nguồn vốn đáp ứng cho sản xuất. Các vùng nuôi thiếu thức ăn dẫn đến giá thành nuôi cao, thiếu sản lượng cung cấp cho các nhà máy chế biến, một số vùng nuôi phải ngừng nuôi trong khi đây là các vùng nuôi của Nhà nước dẫn đến lỗ hơn 13,5 tỷ đồng.

Lỗ chồng lỗ

Về kết quả kinh doanh quý I/2022, doanh thu thuần đạt 97,3 tỷ đồng, giảm tới 96% so với cùng kỳ, giá vốn bán hàng xấp xỉ với doanh thu đạt 94,5 tỷ khiến lợi nhuận gộp chỉ còn vỏn vẹ 2,7 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 200,7 triệu về 161 triệu đồng. Chi phí tài chính giảm 13% về 8,3 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 47% về 5,6 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 5% về 2,7 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2022, lợi nhuận sau thuế thuế của Thủy sản An Giang lỗ 15,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lõ 5,5 tỷ đồng.

Như vậy, hiện lỗ lũy kế của Thủy sản An Giang lên 863 tỷ đồng.

Theo giải trình của Công ty, doanh thu giảm do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, thị trường Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid, hạn chế nhập khẩu nên các đơn vị đang thuê gia công gặp khó khăn trong tiêu thụ và không thể duy trì sản lượng sản xuất như dự kiến.

Giá nguyên liệu tăng, chi phí cước tàu tăng cao (trên 400%), việc đặt container xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu chưa tăng kịp với tốc độ tăng chi phí nên so với cùng kỳ, kim khách xuất khẩu của Agifish giảm và doanh thu không đủ bù chi phí.

Tổng tài sản đến cuối tháng 3/2021 ghi nhận giảm 15% về 362 tỷ đồng, trong đó, hàng tồn kho giảm 27% về gần 80 tỷ đồng. Nợ phải trả ngắn hạn đạt 526 tỷ đồng, giảm 8%. Vốn chủ sở hữu âm 169 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/6, cổ phiếu AGF nằm sàn ở mức 3.600 đồng/cp.

Công ty xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang được thành lập năm 1995. Hoạt động kinh doanh chính bao gồm: sản phẩm thủy sản đông lạnh xuất khẩu, các sản phẩm thủy sản nội địa, kho bãi và lưu giữ hàng hóa, nuôi trồng thủy sản, thuốc thúy y. Năm 2020, cổ phiếu công ty chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM.


Ong Lý
Cùng chuyên mục