Thủy sản An Giang (AGF) đang "chìm" vì lỗ chồng lỗ, 9 tháng âm 52 tỷ đồng
Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish; mã AGF) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021. Doanh thu thuần trong kỳ đạt 43,5 tỷ, giảm sâu 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do giá vốn cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp quý III/2021 của công ty âm tới 7,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 22,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, mảng xuất khẩu lỗ 4,4 tỷ đồng khi đạt 12,5 tỷ đồng doanh thu nhưng giá vốn lên tới 16,9 tỷ đồng. Riêng thị trường nội địa vẫn mang lại cho công ty khoản lãi 1,7 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính của công ty chỉ đạt 46 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính giảm không đáng kể.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 64,3% lên 4,6 tỷ đồng; Chi phí khác cũng tăng 8 lần lên 9,7 tỷ đồng.
Doanh thu giảm, chi phí tăng mạnh khiến quý III AGF lỗ sau thuế 38 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 611 triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân lỗ, Agifish cho biết: Thứ nhất, lợi nhuận gộp giảm 30,5 tỷ đồng do dịch bệnh Covid 19 bùng phát và kéo dài từ giữa tháng 7 tới nay khiến công ty không thể sản xuất, kinh doanh bình thường, doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí sản xuất tăng.
Thứ hai, chi phí quản lý tăng thêm 1,8 tỷ đồng là do công ty hỗ trợ cuộc sống cho người lao động bị tạm ngừng việc.
Thứ ba, thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ (là nguyên nhân chính khiến chi phí khác đội lên 8,5 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Agifish đạt 339 tỷ đồng, giảm 34%, lợi nhuận gộp giảm tới 67%.
Kết quả 9 tháng, công ty báo lỗ 52 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ 206 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Agifish là 436 tỷ đồng, giảm 27% so với đầu năm. Nợ phải trả của Agifish lên tới 549 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngắn hạn chiếm tới 99%.
Cùng với công bố báo cáo tài chính quý III/2021, mới đây Agifish đã công bố báo cáo tài chính soán xét bán niên 2021. Theo đó, 6 tháng đầu năm, Agifish ghi nhận doanh thu 296 tỷ đồng, giảm 18%; lỗ 14 tỷ đồng.
Thủy sản An Giang tiền thân là Xí nghiệp Đông lạnh An Giang được thành lập từ năm 1985, được cổ phần hóa vào năm 2001. Thời điểm đó, Công ty đứng thứ 2 cả nước về năng lực chế biến xuất khẩu thủy sản (sản phẩm chính là cá basa và cá tra đông lạnh). Hiện Công ty có vốn điều lệ 281 tỷ đồng.
Giai đoạn mới cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn tích cực, nhưng từ năm 2015 trở lại đây bắt đầu chuyển biến xấu. Năm 2015, Công ty lỗ 445 triệu đồng, năm 2016 lãi nhẹ 2,5 tỷ đồng để rồi sau đó chìm sâu trong thua lỗ.
Tháng 6/2021, cổ phiếu AGF bị hạn chế giao dịch do Công ty bị âm vốn chủ sở hữu, chậm công bố báo cáo tài chính năm 2020 và không có biện pháp khắc phục.
Trong cơ cấu cổ đông của AGF hiện nay, Công ty cổ phần Hùng Vương (mã HVG) sở hữu 79,58% vốn và SCIC nắm 8,24%. SCIC đang lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại AGF, giá trị tương ứng 23,17 tỷ đồng.
Công ty mẹ HVG từng là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thủy sản nhưng cũng chịu thua lỗ nặng vài năm trở lại đây và đã bị hủy niêm yết bắt buộc từ năm 2020. Đến cuối năm 2019, tổng lỗ lũy kế của HVG lên đến 1.743 tỷ đồng.
Năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng trầm trọng nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, tình hình dần cải thiện.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi, trong đó mặt hàng cá tra tăng 26% (đạt 134 triệu USD trong tháng 5).
Một số doanh nghiệp được gỡ thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa và ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực như Vĩnh Hoàn, Nam Việt. Tuy nhiên, Thủy sản An Giang vẫn chưa tìm thấy lối ra.
Báo cáo của Hội đồng quản trị Thủy sản An Giang cho biết, việc ngân hàng siết chặt vốn vay, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, trong khi không đủ nguồn vốn để mua nguyên liệu bên ngoài, Công ty đã lỡ mất thời cơ kinh doanh khi giá xuất khẩu tăng cao.