Vì sao 9 Bộ muốn trả lại 8.054 tỷ đồng vốn ODA được giao?

07/10/2021 20:53 GMT+7
Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm này, có 7/13 Bộ có tỷ lệ giải ngân bằng 0 và có 9 bộ có văn bản trả lại vốn ODA được giao với tổng số vốn trả lại là 8.054 tỷ đồng.

Ngày 7/10, tại buổi làm việc về tình hình giải ngân vốn đầu tư ODA với các Bộ, ngành, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính Trương Hùng Long cho biết, đến ngày 6/10 tỷ lệ giải ngân chung của các Bộ mới đạt 19,03% kế hoạch. Như vậy, tỷ lệ này đang thấp hơn nhiều so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Để có thể thúc đẩy việc giải ngân vốn ODA, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã làm việc với các Bộ, ngành có nhiều dự án bị đình lại như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vì sao 9 Bộ muốn trả lại 8.054 tỷ đồng vốn ODA được giao? - Ảnh 1.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết tới khi nào vận hành chính thức. Ảnh: CTV

Theo ông Long, đến thời điểm này, vẫn có 7/13 bộ có tỷ lệ giải ngân bằng 0; có 9 bộ có văn bản trả lại vốn với tổng số vốn trả lại là 8.054 tỷ đồng, bằng gần một nửa số vốn được giao. Do đó, khả năng hoàn thành kế hoạch ban đầu là không khả thi.

Nguyên nhân dẫn tới việc chậm trễ này được ông Long nêu rõ: "Ngoài các nguyên nhân trước đây đã phân tích liên quan tới dự án, nhà thầu… thì giãn cách xã hội do tác động của dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân chính".

"Tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là dịch diễn biến phức tại ở cả 19 tỉnh phía Nam và Hà Nội, Đà Nẵng dẫn đến các địa phương giãn cách thời gian nhất định. Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Bắc Ninh, Bắc Giang trước đó cũng chịu ảnh hưởng lớn. Khi thực hiện giãn cách xã hội, toàn bộ các dự án đều dừng hết", ông Long thông tin.

Theo báo cáo giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Tài chính, năm 2021, tổng vốn nước ngoài được giao cho các bộ ngành và địa phương là 51.550 tỷ đồng. Trong đó, các bộ và cơ quan trung ương được giao 16.636,76 tỷ đồng, các địa phương được giao 34.913,24 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đánh giá, riêng các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với các yếu tố nước ngoài từ khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho tới chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn giám sát… của từng hoạt động, từng dự án, hay giá cả cũng gắn với yếu tố nước ngoài nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thực hiện phần lớn dự án ODA.

Vì sao 9 Bộ muốn trả lại 8.054 tỷ đồng vốn ODA được giao? - Ảnh 2.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: N.C

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, việc chậm trễ trong đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu do khác biệt giữa hợp đồng FIDIC (hợp đồng mẫu do Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn phát hành) và quy định trong nước. Nguyên nhân này thuộc trách nhiệm của chủ dự án và ban quản lý dự án.

Trong số các giải pháp, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân nhóm đối tượng, phân tích rõ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân thấp do nguyên nhân khách quan để để xuất phù hợp, tạo điều kiện để các đơn bị này triển khai dự án từ nay tới cuối năm.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 5/10/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương 4 cơ quan Trung ương và 11 địa phương đến hết tháng 9 năm 2021 giải ngân đạt trên 60% kế hoạch được giao; phê bình nghiêm khắc và yêu cầu 36 bộ, cơ quan Trung ương và 8 địa phương giải ngân dưới 40% kế hoạch giao (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg) kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.

Thế Anh
Cùng chuyên mục