Vì sao cần phát triển ga đường sắt kết hợp trung tâm thương mại?
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong đó, Tổng Công ty đường sắt Việt nam đã đề xuất giao lại các nhà ga đường sắt cho đơn vị này tự chủ đầu tư khai thác.
Thông tin về đề xuất này, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết, hiện nay, đơn vị đang đề xuất giao toàn bộ 297 khu ga đường sắt theo phương thức tính thành vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) để tự chủ trong đầu tư, khai thác.
Lấy kinh nghiệm từ các nước đang vận hành khai thác các nhà ga đường sắt, ông Minh cho hay: "Trên thế giới có các nước Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản sử dụng nhà ga đường sắt là địa chỉ thể hiện kiến trúc của một đô thị, là tổ hợp bao gồm chạy tàu, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê".
Qua đó, họ phát triển các nhà ga đường sắt thành nhiều tầng, trong đó, tầng 1, tầng 2 phục vụ cho vận tải, chạy tàu. Như vậy, nếu ga Hà Nội được xây dựng là đầu mối giao thông đô thị thì sẽ rất thuận lợi cho các doanh nghiệp", ông Minh đưa ra căn cứ.
Theo ông Minh, các khu ga đường sắt hiện do Nhà nước đang quản lý nên chỉ theo dõi hao mòn lũy kế, không tái đầu tư, trong khi Nhà nước vẫn phải bỏ tiền bảo trì. Khi giao cho doanh nghiệp sẽ định giá lại, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, trích khấu hao đối với các tài sản này. Trong số 297 khu ga chỉ có khoảng 15 - 20 khu ga có tính hấp dẫn.
Tuy nhiên, đề xuất nêu trên của Tổng công ty đường sắt Việt Nam vẫn còn đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, chỉ nên chọn các khu ga hấp dẫn giao cho doanh nghiệp, với các khu ga còn lại Nhà nước vẫn phải bỏ vốn thực hiện bảo trì.
"Tổng công ty chọn phương án nhận cả 297 khu ga, khi đó từ thặng dư ở các khu ga hấp dẫn, sẽ bảo trì, từng bước đầu tư nâng cấp dần các khu ga còn lại, giảm áp lực đối với ngân sách Nhà nước", ông Minh bày tỏ.
Được biết, nếu để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được tự chủ, từ nguồn thu kinh doanh kết cấu hạ tầng nhà ga, đơn vị này sẽ cân đối trả lương cho người lao động tại các chi nhánh khai thác ga, thay vì chủ yếu trông vào doanh thu vận tải như hiện nay. Do đó, sẽ giảm được giá cung cấp dịch vụ điều hành vận tải cho các công ty vận tải đường sắt để các công ty này có dư địa giảm giá thành sản phẩm vận tải.
Nếu đề án được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT sẽ kiến nghị giao Tổng công ty đường sắt xây dựng Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Trong đó, xác định rõ danh mục, giá trị tài sản sẽ giao cho DN tính vào thành phần vốn Nhà nước đầu tư tại DN; tài sản nào cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, để làm cơ sở triển khai thực hiện.