Vì sao chứng khoán Mỹ lập đỉnh sau 5 tháng?
Trong phiên giao dịch ngày 18/8, chỉ số S&P 500 tăng 0,23% lên 3.389 điểm, vượt đỉnh 3.386 xác lập hồi tháng 2. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 0,73% lên 11.210 điểm. Đây là lần đầu tiên chứng khoán Mỹ lập đỉnh kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, kết thúc chuỗi bán tháo, theo Reuters.
Ngược lại, chỉ số DJIA giảm 0,24% xuống còn 27.778 điểm, thấp hơn 6% so với đỉnh gần nhất do nhóm cổ phiếu năng lượng và tài chính bị sụt giá.
Thị trường đi lên nhờ tác động tích cực của gói kích thích tài khóa kỷ lục của Chính phủ Mỹ cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư về đà phục hồi kinh tế nhanh chóng. Bên cạnh đó, triển vọng về các loại vaccine chống Covid-19 đang được phát triển cũng là một tin tốt cho nền kinh tế.
“Main Street chỉ quan tâm ngày hôm nay thế nào, còn Wall Street mới là những nhà đầu tư của tương lai. Thật không thể tin phố Wall chỉ mất có 5 tháng để hồi phục”, Reuters dẫn lời Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư tại CFRA.
Cùng có quan điểm trên, ông Ryan Detrick, chiến lược gia đầu tư tại LPL Financial, cho biết nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ lập đỉnh trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao là do kỳ vọng về tương lai. “Các số liệu đều nằm ở quá khứ, còn giá cổ phiếu thì lại hướng đến tương lai", ông giải thích.
Gói kích thích 3.000 tỷ USD của FED cũng như sự hậu thuẫn từ Chính phủ Mỹ đã khiến nhiều công ty nước này lạc quan hơn vào doanh thu quý II năm nay. Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc cơ quan này sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức đáy và động thái bơm tiền của chính phủ trong tương lai gần đã đẩy lợi suất một số trái phiếu Mỹ xuống mức thấp kỷ lục, khiến dòng tiền đổ vào cổ phiếu ngày một nhiều.
“Nước Mỹ đang có rất nhiều tiền và phần lớn trong số đó nằm ở thị trường chứng khoán”, Jeff Buchbinder, chiến lược gia tại LPL Financial nhận xét. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây có thể làm xáo trộn thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, một số người cho rằng nhóm cổ phiếu công nghệ đang tăng nóng trong thời gian gần đây có nguy cơ bị đảo chiều mạnh nếu các nhà đầu tư ồ ạt đem bán.
Cụ thể, cổ phiếu của Microsoft, Apple, Amazon, Alphabet và Facebook chiếm hơn 22% vốn hóa thị trường của toàn bộ chỉ số S&P 500. Cuộc khảo sát của BofA Global Research vào tháng trước cho biết 74% nhà quản lý quỹ nói rằng giao dịch của nhóm cổ phiếu công nghệ này đang áp đảo thị trường chứng khoán.