Vì sao kinh doanh nước dưới giá vốn, Saigon Water vẫn có lãi?

04/11/2019 07:36 GMT+7
Hoạt động của SII khá khác biệt khi vẫn đang kinh doanh dưới giá vốn (đang bị lỗ gộp). Tuy nhiên công ty vẫn có lãi đều đặn do nhận được một khoản hỗ trợ không hoàn lại của UBND TP.HCM.

CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water) tiền thân là CTCP Xây dựng Việt Thành được thành lập vào ngày 27/8/2004, với vốn điều lệ ban đầu là 550 triệu đồng. Công ty hoạt động trong lĩnh vực thí nghiệm vật liệu xây dựng, giám sát thi công, xây dựng các công trình hạ tầng như: Cầu đường, bến cảng, nhà ga, các công trình thủy lợi....Ngày 22/08/2012, cổ phiếu của công ty được niêm yết tại Sở GDCK TP.HCM với mã chứng khoán là SII.

Saigon Water được đánh giá là một "tay chơi" lớn trong ngành nước. Mảng kinh doanh nước sạch theo đó ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn, hiện đã gần 80% tổng doanh thu.

Saigon Water là đơn vị tư nhân duy nhất được phân vùng cấp nước tại huyện Củ Chi (với sở hữu nhà máy nước Củ Chi), phần còn lại 23/24 quận huyện khác do Sawaco quản lý. Đây là pháp nhân của công ty CII và đối tác chiến lược Manila Water (Philippines).

Vì sao kinh doanh nước dưới giá vốn, Saigon Water vẫn có lãi? - Ảnh 1.

Saigon Water độc quyền bán nước tại huyện Củ Chi, TP.HCM

Hoạt động của SII khá khác biệt khi vẫn đang kinh doanh dưới giá vốn (đang bị lỗ gộp). Tuy nhiên công ty vẫn có lãi đều đặn do nhận được một khoản hỗ trợ không hoàn lại của UBND TP HCM cho dự án nhà máy nước Củ Chi với số tiền 600 tỷ đồng (phân bổ từ năm 2017 đến 2019).

Những năm gần đây, lợi nhuận gộp của Saigon Water liên tục đi xuống, thậm chí là lỗ gộp xuất phát một phần từ giá nước vẫn giữ nguyên theo năm 2013 trong khi các chi phí đầu vào gia tăng hàng năm.

Hiện hoạt động của SII chủ yếu tại TP HCM với tỷ trọng khoảng 60% tổng doanh thu, còn lại là Gia Lai và Lâm Đồng. Việc có nhiều nhà máy đi vào hoạt động giai đoạn đầu hoặc đang được đầu tư như Củ Chi, An Khê đã khiến cho chi phí giá vốn và chi phí lãi vay tăng cao. Công ty hiện có tài sản cố định 2.687 tỷ nhưng mới khấu hao được 539 tỷ đồng, nợ vay của doanh nghiệp 1.126 tỷ dẫn đến áp lực lãi vay trên 100 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài sở hữu toàn bộ NMN Củ Chi, hiện Saigon Water còn có cổ phần trong một số NMN khác như BOO Thủ Đức, Tân Hiệp II, Dankia2, An Khê.

Thông tin trên tờ Người đồng hành cho hay, SII vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu giảm 17% còn gần 46 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn, Saigon Water bị lỗ gộp 8 tỷ đồng và là quý thứ 6 liên tiếp kể bị lỗ gộp.

Hoạt động tài chính vẫn thiếu tích cực khi chi phí (chủ yếu là chi phí lãi vay) tiếp tục gấp nhiều lần doanh thu tài chính. Tuy nhiên công ty được hưởng lợi từ các liên doanh liên kết khi mang về hơn 11 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 2,5 tỷ đồng. Với kết quả đó, Saigon Water ghi nhận mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 34 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ gần 50 tỷ đồng cùng kỳ.

Nhờ được hưởng khoản lợi nhuận khác lớn gần 51 tỷ đồng, công ty ngành nước này lợi nhuận sau thuế cổ đông mẹ đạt hơn 14 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ năm trước.

Theo lý giải từ Saigon Water, lợi nhuận liên kết tăng cao là do nhà máy nước liên kết Tân Hiệp không còn khấu hao tài sản cố định như quý III năm ngoái. Chi phí tài chính giảm do giảm nợ gốc các khoản vay ngân hàng ngắn hạn và chi phí quản lý giảm do tái cấu trúc hoạt động.

Lũy kế 9 tháng, Saigon Water ghi nhận doanh thu thuần giảm 32% xuống 136 tỷ đồng và bị lỗ gộp gần 27 tỷ đồng. Chi phí lãi vay lớn khiến công ty bị lỗ thuần hơn trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ khoản thu nhập khác hơn 152 tỷ đồng, công ty vẫn có lãi ròng hơn 41 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi 60 tỷ đồng).

Theo kế hoạch đề ra cho năm 2019, Saigon Water đặt chỉ tiêu doanh thu 468 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 74,2 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty thực hiện được 58% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tổng tài sản của doanh nghiệp ngành nước này cuối quý III đạt gần 2.900 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định với nguyên giá 2.687 tỷ đồng (đã khấu hao được 539 tỷ) và đầu tư và các công ty liên doanh với giá trị 369 tỷ đồng.

Vì sao kinh doanh nước dưới giá vốn, Saigon Water vẫn có lãi? - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh của SII theo quý.

Để tài trợ cho việc đầu tư vào các nhà máy và các công ty ngành nước khác, Saigon Water đã thực hiện vay nợ ngắn và dài hạn hơn 1.126 tỷ đồng. Điều này là một trong những lý do khiến chi phí lãi vay rất lớn và ăn mòn lợi nhuận của công ty.

Cung cấp nước sạch hiện là mảng có đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Saigon Water với tỷ trọng 77% trong 9 tháng, tuy nhiên mảng này bị lỗ gộp gần 27 tỷ đồng do các nhà máy mới đi vào hoạt động dẫn đến khấu hao cao và giá bán nước thấp.

Mặc dù hoạt động kinh doanh chính đang bị thua lỗ nhưng Saigon Water vẫn có lãi đều đặn hàng năm là nhận được một khoản hỗ trợ không hoàn lại của UBND TP HCM cho dự án nhà máy nước Củ Chi với số tiền 600 tỷ đồng (Phân bổ 3 năm từ 2017 đến 2019).

Kết quả kinh doanh của Saigon Water theo quý hầu như không có tính chu kỳ. Hiệu quả về lợi nhuận chịu tác động từ nhiều biến số như giá bán nước, khấu hao tài sản, chi phí lãi vay, khoản hỗ trợ từ thành phố...

An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục