Có nên cổ phần hóa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch?
3 năm thoái vốn dần trên 57 công ty
Theo kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5 vừa qua, Hội Cấp thoát nước cho rằng, cần duy trì một tỷ lệ vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp cấp nước cổ phần hóa nhằm nâng cao trách nhiệm cũng như khẳng định vai trò của quản lý Nhà nước trong các doanh nghiệp này.
Lý do được Hội đưa ra, cấp nước sạch là ngành độc quyền tự nhiên, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con người nên phải đảm bảo sản xuất, cung cấp đúng chất lượng quy định.
Điều này có vẻ rất phù hợp với Viwasupco là công ty không còn vốn góp của Nhà nước. Được biết, hiện Viwasupco đang bị nắm giữ bởi Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex với 60,46% cổ phần, tiếp đến CTCP Cơ điện lạnh (REE) với 35,95% cổ phần, còn lại thuộc về các cổ đông khác.
Và nhìn vào hiệu quả kinh doanh của công ty này, ai cũng phải ngạc nhiên về sự khác biệt giữa công ty đã thoái vốn hoàn toàn với nhóm công ty Nhà nước và cổ đông nhà nước còn sở hữu cổ phần lớn.
Thị trường cấp nước Hà Nội đang được chi phối chủ yếu bởi 5 công ty là Nước sạch Hà Ðông, Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Ðầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco); Nhà máy nước mặt Sông Ðuống và Viwasupco.
Trong đó, kết quả kinh doanh của Viwasupco và Viwaco hiệu quả hơn các doanh nghiệp NS2, NS3, Hadowa, Hawacom (cổ phần nhà nước từ 50% đến 100%).
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Viwasupco đạt doanh thu 402 tỷ đồng và lợi nhuận 199 tỷ đồng, vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành có mức tiêu thụ tương đương.
Nếu như tỷ suất lợi nhuận đáng mơ ước của Viwasupco được đầu tư trở lại cho nhà máy, công nghệ, con người vận hành để cung cấp nước đảm bảo chất lượng cho người dân thì những nghi ngờ về việc cổ phần hóa thoái vốn Nhà nước đã không xảy ra.
Và sự cố ô nhiễm nguồn nước vừa qua khiến không ít người băn khoăn rằng, có nên xem xét việc thoái vốn Nhà nước hoàn toàn khỏi các công ty sản xuất, cung cấp nước như Viwasupco?
Trong khi đó, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg được ban hành vào ngày 17/8/2017 đã công bố danh mục thoái vốn nhà nước đến năm 2020 mở ra một cơ hội lớn cho việc kiểm soát và thống trị ngành nước trên toàn quốc.
Theo quyết định này, trong 3 năm, từ 2017-2019, Nhà nước sẽ tiến hành thoái vốn dần dần trên 57 công ty thuộc ngành cấp thoát nước, trải dài từ Hậu Giang đến Lạng Sơn.
Theo lộ trình, trong năm nay UBND TP.HCM sẽ thoái vốn tại Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) xuống dưới 50%. Hiện trên thị trường hiện nay Sawaco là công ty có tổng công suất sản xuất nước lớn nhất (sản xuất gần 1,9 triệu m3/ngày đêm, công suất cấp nước 2,4 triệu m3/ngày).
Nguồn nước thô được dùng để khai thác cung cấp nước sạch chủ yếu là nguồn nước mặt lấy ở lưu vực hai sông Sài Gòn và Ðồng Nai (chiếm 94%), chỉ một phần nhỏ (6%) khai thác từ nguồn nước ngầm. Sawaco cho biết chất lượng nước mặt sông Ðồng Nai, nhất là sông Sài Gòn, có xu hướng ngày càng xấu hơn.
Sawaco hiện có vốn gần 5.140 tỷ, tổng tài sản 12.914 tỷ, doanh thu mỗi năm từ 4.500-4.800 tỷ đồng, lợi nhuận trên 360 tỷ mỗi năm. Sawaco sở hữu 10 công ty cấp nước tại khu vực TP.HCM.
Hiện quy mô của Sawaco lớn gấn 9 lần Viwasupco. Do đó, UBND TP.HCM có lẽ cần cân nhắc tỷ lệ khi thoái vốn khỏi Sawaco, cần thiết có thể huy động nguồn lực tư nhân để đầu tư phát triển nhưng vẫn giữ cổ phần chi phối (trên 51%).
Tương tự như vậy, theo Danh sách cổ phần hóa đến năm 2020, Nhà nước sẽ cổ phần hóa Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội (Hawacom) giảm vốn xuống dưới 65% nhưng vẫn giữ cổ phần trên 50%.
Hawacom đang sở hữu Nhà máy nước sạch Yên Phụ tại Hà Nội, và 12 nhà máy nước. Ngoài ra công ty này có 6 công ty kinh doanh nước sạch và 5 công ty hạ tầng nước (vật tư, đồng hồ…).
Còn với CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (mã BWS), công ty có vốn điều lệ 1.500 tỷ, tổng công suất sản xuất nước khoảng trên 380.000 m3/ngày đêm. Năm 2017 Nhà nước đã thoái vốn xuống 41% tại Biwase. Công ty có 3 nhà máy nước Bàu Báng, Dầu Tiếng và Phước Vĩnh, 5 xí nghiệp cấp nước Dĩ An, Thủ Dầu một, Thuận An, Tân Uyên, Khu liên hợp.
Địa bàn kinh doanh tại khu vực Bình Dương và huyện Chơn Thành- Tỉnh Bình Phước. Các nhà máy của BWS đều đang chạy hết công suất. 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu đạt hơn 1.935 tỷ, lợi nhuận sau thế 305 tỷ, tăng 40% cùng kỳ năm trước.
Không thể giao phó an ninh nguồn nước cho doanh nghiệp!
Bày tỏ quan điểm tại buổi tọa đàm "An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý'' do báo Môi trường và Đô thị tổ chức tại Hà Nội sáng nay (23/10), luật sư Trương Xuân Hải - Giám đốc Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc thoái hóa vốn, cổ phần hóa là cần thiết để cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và để bổ sung nguồn thu cho ngân sách.
Tuy nhiên, khi cổ phần hóa, thoái hóa hoàn toàn, doanh nghiệp sẽ chỉ chú trọng kinh doanh, mà cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí. "Do đó, theo tôi, khi cổ phần hóa Nhà nước cần giữ vai trò chi phối trong hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp công ích phải lấy việc phục vụ người dân là chính, chú trọng hàng đầu đến chất lượng"
Luật sư Hải cũng cho rằng, Nghị định 177 (Nghị định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch) cũng cần phải sửa đổi một số điều cho phù hợp với tình hình thực tế. "Trong nghị định này có nêu vấn đề về công tác bảo vệ an ninh nguồn nước, theo đó giao toàn bộ trách nhiệm này cho doanh nghiệp, trong khi đó Nhà nước chỉ có trách nhiệm phối hợp. Theo tôi nên quy định ngược lại: Việc đảm bảo an ninh an toàn nguồn nước trước hết là trách nhiệm của Nhà nước, còn doanh nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng", luật sư Hải nói.
Tại buổi tọa đàm này, Ths Nguyễn Hồng Dương, chuyên gia Cấp nước an toàn- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng, theo quy định, trách nhiệm quản lý được phân công cho từng đơn vị, việc này phức tạp rất nhiều.
Tuy nhiên vai trò nhạc trưởng chính vẫn là cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể giao phó hoàn toàn cho doanh nghiệp. Tại các địa phương là UBND cấp tỉnh, nếu phạm vi liên tỉnh liên tỉnh thì cơ quan quản lý Trung ương phải tham gia vào bảo vệ an ninh nguồn nước.
"Nước là mặt hàng kinh doanh đặc biệt liên quan đến sinh hoạt hằng ngày, sức khỏe và tính mạng của người dân. Theo đó, Nhà nước cần phải có trách nhiệm và chế tài thật nặng với các doanh nghiệp vô trách nhiệm trong việc kiểm soát và xử lý nguồn nước", luật sư Hải nói.