Vì sao xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến?
Đối với xăng, 2 tháng qua, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 1,92 triệu tấn xăng dầu, giá trị 1,7 tỷ USD, tăng 43,1% về lượng và tăng 56,3% về trị giá. Dầu thô nhập về có giá trị hơn 1,1 tỷ USD, tăng trên 100% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính trong năm 2022, cả nước nhập 8,87 triệu tấn xăng dầu thành phẩm, trị giá 8,97 tỷ USD, tăng mạnh 27,7% về lượng và tăng 118,5% (tương ứng tăng 4,86 tỷ USD) về số tuyệt đối so với năm 2021.
Về dầu thô, Việt Nam nhập khẩu 10,6 triệu tấn, trị giá gần 8,2 tỷ USD, tăng lần lượt 6% và 57% so với 2021. Như vậy, tổng chi nhập xăng dầu thành phẩm và dầu thô năm 2022 đã vượt 17 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, năm 2022 để đáp ứng nhu cầu trong nước, tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).
Trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể tăng giá, lượng tiêu thụ mạnh do phục hồi kinh tế trong nước, nên năm 2023, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm 2023 nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Bộ Công Thương cho biết đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng thời tiến hành kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao. Từ đó bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường trong nước, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Theo Bộ Công Thương, việc nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh trong 2 tháng qua có tính chủ động ứng phó của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước cũng như thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân.