Chuyên gia: Lùi thời gian điều chỉnh giá xăng dầu ngày lễ, tết là vô lý, doanh nghiệp "chết oan"

06/03/2023 14:11 GMT+7
"Việc xác định chu kỳ điều chỉnh giá, cần giảm xuống như đề xuất của Bộ Công Thương. Ngoài ra, quy định của Nghị định 95/2021 cho phép lùi thời gian điều chỉnh ngày lễ tết sang ngày khác là rất vô lý, khiến doanh nghiệp chết oan".

Tại Toạ đàm "Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc" tại Hà Nội sáng nay 6/3, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng: Thị trường xăng dầu cần có cách nhìn nhiều phía để cơ quan quản lý sửa đổi chính sách.

Ông Thoả nói, từ năm 2007, Nghị định 55 đến hiện nay đều thực hiện theo nguyên tắc điều hành giá theo cơ chế thị trường, qua 16 năm, nguyên tắc này vẫn chưa thực hiện được.

Chuyên gia: Lùi thời gian điều chỉnh giá xăng dầu ngày lễ, tết là vô lý, doanh nghiệp "chết oan" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính

"Điều hành của Nhà nước vẫn át thị trường trong khi đó, Luật Giá không quy định việc Nhà nước điều hành giá, Nhà nước chỉ được bình ổn giá", nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá nói.

"Chúng ta đã biến giá cơ sở thành tối đa và khiến thị trường xăng dầu chưa bao giờ có cạnh tranh và chi phí định mức hiện nay đang cứng nhắc khi cơ quan quản lý chưa công bố giá định hướng và doanh nghiệp không đặt được giá, ngay cả quy định tỷ lệ tối đa, nhà nước quy định hết", ông Thoả cho hay.

Với bối cảnh hiện nay, cần nâng điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối. Với doanh nghiệp đầu mối mới, cần quy định vốn (hiện không có), không thể đi thuê, mượn trang thiết bị, cơ sở vật chất. Kinh doanh xăng dầu là ngành có điều kiện, số lượng cửa hàng cũng phải nâng lên. Quy định về thuê kho, cửa hàng phải giảm, đi thuê không chủ động được.

Về điều hành giá, theo ông Thoả cần sửa thẩm quyền điều hành giá xăng dầu, giao 1 đầu mối là Bộ Công Thương.

Ông này cho hay, lý do bởi Bộ Công Thương phụ trách quy hoạch, hệ thống, hạn ngạch, chỉ tiêu và cung cầu. Cơ cấu giá có 10 yếu tố, Bộ Công Thương tính toán hết, trong khi đó riêng mỗi vấn đề về giá lại giao Bộ Tài chính thực hiện

"Thẩm quyền định giá bán lẻ thì giao doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự tính toán, cạnh tranh với nhau. Đây không phải Nhà nước thả nổi, mà là quản lý gián tiếp theo quy chế thị trường. Ra quy định rõ ràng, cơ chế tính giá. Nhà nước chỉ can thiệp khi bình ổn giá. Cuối cùng, thực hiện hậu kiểm", ông Thoả cho biết.

Theo nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính: "Việc xác định chu kỳ điều chỉnh giá, cần giảm xuống như đề xuất của Bộ Công Thương. Ngoài ra, quy định của Nghị định 95/2021 cho phép lùi thời gian điều chỉnh ngày lễ tết sang ngày khác là rất vô lý, khiến doanh nghiệp chết oan".

Tại Toạ đàm, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra? Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho... Chúng ta phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học.

"Nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Kiểm soát CPI nhà nước làm sao? Như vậy có công bằng không trong nền kinh tế. Chúng ta phải xem xét thấu đáo các vấn đề. Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000/lít. Tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng", ông Đông nói.

Về chi phí lợi nhuận định mức, ông này cho rằng: Đồng ý cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm thủ tục hành chính. Trong thời gian vừa qua, không chỉ doanh nghiệp bán lẻ, phân phối mà doanh nghiệp đầu mối cũng khó khăn.

"Vấn đề găm hàng, đầu cơ đều có ở lĩnh vực khác, qua quản lý ở tất cả các khâu khi kinh doanh thua lỗ, bán ra càng nhiều thì các khâu đều muốn hạn chế không riêng gì thương nhân đầu mối. Chúng ta phải xử lý căn cơ vấn đề này thế nào? Sửa Nghị định 83, 95 nên sửa căn cơ, triệt để", ông Đông nói.

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, với đề xuất bỏ giấy phép chứng nhận môi trường, phòng cháy chữa cháy cũng nên cắt giảm cho doanh nghiệp. Việc cấp tín dụng về xăng dầu cần ưu tiên vì đây là vấn đề liên quan an ninh năng lượng. Cùng đó, chúng ta phải xem lại cách nhìn về dự trữ. Với nguồn lực hiện nay hướng tới là cần đầu tư nhiều hơn về kho, tách bạch dự trữ quốc gia và doanh nghiệp. Vấn đề phải xem lại nguồn lực nhà nước sẵn sàng bỏ ra để đầu tư chưa?

"Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến sửa Nghị định 95, 83. Chúng ta nên trả về thị trường nhiều hơn, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Nhà nước sẽ định hướng, tham chiếu nào đó, vẫn giữ quỹ nhưng quỹ không sử dụng liên tục như hiện nay", ông Đông nói.

An Linh
Cùng chuyên mục