Việt Nam bán gần 2 triệu tấn gạo cho Philippines với mức giá rẻ bất ngờ

11/08/2023 19:14 GMT+7
TheoTổng cục Hải quan, hết tháng 7 Việt Nam xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo, kim ngạch trên 2,6 tỷ USD. Đáng chú ý, Việt Nam bán gần 2 triệu tấn gạo cho Philippines với giá khá rẻ.

Bình quân giá gạo xuất khẩu đạt hơn 12,2 triệu đồng/tấn. Gạo Việt xuất khẩu nhiều nhất sang Philippines với sản lượng hơn 1,9 triệu tấn, kim ngạch hơn 980 triệu USD; Trung Quốc là thị trường thứ 2 với hơn 718.000 tấn, kim ngạch hơn 413 triệu USD; Indonesia là thị trường nhập khẩu thứ 3 với hơn 600.000 tấn, kim ngạch gần 300 triệu USD; Malaysia nhập hơn hơn 230.000 tấn, kim ngạch hơn 113 triệu USD.

Giá gạo Việt Nam xuất sang Philippines chỉ 11,8 triệu đồng/tấn, xuất sang Trung Quốc có giá hơn 13,2 triệu đồng/tấn, xuất sang Indonesia có giá 11,5 triệu đồng/tấn và xuất sang Malaysia có giá 11,3 triệu đồng/tấn.

Như vậy, mức giá xuất khẩu gạo Việt sang Philippines, Indonesia - 2 trong 5 đối tác nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam dưới mức giá bình quân 12,2 triệu đồng/tấn. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu gạo theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là từ 14-14,5 triệu đồng/tấn từ giữa tháng 7 đến nay.

Việt Nam đã xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo, mục tiêu 2-3 triệu tấn nữa - Ảnh 1.

Việt Nam đã xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo, mục tiêu năm nay xuất từ 7-8 triệu tấn.

Mới đây, trong báo cáo phụ vụ phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Ngành nông nghiệp ngoài nhiệm vụ đảm bảo đủ an ninh lương thực trong nước, còn 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dành xuất khẩu.

Báo cáo của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2023 đạt 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong hai mặt hàng của ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất trong 7 tháng vừa qua.

Theo Bộ trưởng Hoan, một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu. Đơn cử, Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo; Thái Lan khuyến nghị giảm diện tích trồng lúa để tránh hiện tượng El Nino; rủi ro biến đổi khí hậu nhanh hơn dự kiến ảnh hưởng; sáng kiến ngũ cốc biển đen không được gia hạn; xung đột địa chính trị kéo dài...

Theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ NN-PTNT, lượng lúa dùng cho đảm bảo ANLT của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ, làm giống... ) khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm. Như vậy, chúng ta còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dùng cho xuất khẩu.

Năm 2022, Việt Nam cũng đạt sản lượng gạo xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn, kim ngạch hơn 3,4 tỷ USD, sản lượng tăng gần 14%, song kim ngạch chỉ tăng nhẹ hơn 5%.

Dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, song gạo Việt vẫn chưa tiếp cận được với các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật. Nhiều năm qua, Việt Nam luôn bị Thái Lan, Ấn Độ cạnh tranh rất gắt gao về sản lượng xuất khẩu gạo, lẫn giá trị xuất khẩu gạo của các nước nói trên.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá lúa gạo hôm nay ngày 11/8/2023 tại thị trường trong quay đầu giảm. Thị trường lúa hè thu giao dịch chậm lại, doanh nghiệp tạm ngưng gom hàng.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động. Theo đó, tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang sáng ngày 11/8, giá lúa IR 504 ở mức 7.300 - 7.500 đồng/kg; OM 18 ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; OM 5451 ở 7.300 - 7.600 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá 7.200 - 7.600 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg.

Trên thị trường gạo nội địa, tại An Giang, giá các loại gạo bán lẻ duy trì ổn định. Giá gạo trắng thông dụng ở mức 15.500 đồng/kg; gạo Nàng Hoa 19.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 16.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu gạo, ngày 10/8, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 20 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giao dịch ở mức 638 USD/tấn (14,6 triệu đồng/tấn); gạo 25% tấm ở mức 618 USD/tấn (14,2 triệu đồng/tấn).

Trước diễn biến khó lường của giá xuất khẩu gạo, nhằm tránh việc mua gom kiếm lời của tư thương, gây bất ổn giá gạo, ngày 4/8, Bộ Công Thương mới có văn bản hỏa tốc gửi các địa phương yêu cầu ổn định thị trường lúa gạo trước những diễn biến bất thường khi hàng loạt quốc gia Ấn Độ, Nga và UAE ra lệnh cấm xuất khẩu gạo, đồng thời giá gạo xuất khẩu đang tăng cao kỷ lục.

Cụ thể, văn bản hỏa tốc của Bộ Công Thương yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phối hợp phát triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo.

Theo đó, trước tình hình thị trường lúa gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung lúa gạo, kiểm định mức tăng giá thực hiện trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.

Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp "tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn cho thị trường, mất cân đối cũng như cầu cục bộ, đẩy giá thóc gạo trong nước tăng bất hợp lý", Văn bản hỏa tốc của Bộ Công Thương nêu.

An Linh
Cùng chuyên mục