Vietravel: Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm, nợ phải trả gấp hơn 5 lần vốn chủ
Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) thành lập ngày 27/9/2010 tại 190 Pasteur, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh với ngành nghề chính kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế.
Tại ngày 30/6/2024, công ty có vốn điều lệ hơn 290 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Vietravel (14,29% tỉ lệ sở hữu), Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh (sở hữu 20,52%), Công ty cổ phần Quản lý quỹ Vinacapital (sở hữu 9,77%), Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch và Lữ hành Quốc tế Sài Gòn (sở hữu 1,75%), ông Nguyễn Quốc Kỳ (sở hữu 10,96%), các cổ đông khác (sở hữu 40,72% vốn) và cổ phiếu quỹ (1,99%).
Vietravel đã có bước tiến về hoạt động bán hàng trong nửa đầu năm 2024, khi doanh thu tăng từ 2.713 tỷ đồng lên 3.228 tỷ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế lại giảm từ 22,3 tỷ đồng xuống 17 tỷ đồng, tương ứng giảm 5,3 tỷ đồng (23,8%).
Tại ngày 30/6/2024, nợ phải trả của Vietravel đạt 2.336 tỷ đồng, tăng 424 tỷ đồng, tương đương 22,2% so với cuối năm 2023. Nợ phải trả cao gấp 5,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 83,8% tổng nguồn vốn công ty.
Trong đó, nợ vay chiếm tỷ trọng lớn nhất. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 880 tỷ đồng, tăng 175 tỷ đồng, tương đương 24,8% so với cùng kỳ năm trước; chiếm 37,7% tổng nợ và cao gấp 1,9 lần vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, Vietravel còn ghi nhận 3,9 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Bên cạnh đó, Vietravel còn có khoản nợ đáng chú ý là Phải trả người bán ngắn hạn. Chỉ tiêu này tăng 113 tỷ đồng.
Vietravel đã liệt kê danh sách một số nhà cung cấp mà công ty chưa thanh toán hết công nợ như Công ty cổ phần Hàng không Lữ hành Việt Nam (21,4 triệu đồng), Công ty cổ phần Dịch vụ vận chuyển Thế giới (2,2 tỷ đồng), Golden M Premium Holidays Pte.Ltd (43,9 tỷ đồng), Siam Brothers Enterprise Co.,Ltd (64,5 tỷ đồng), Beijing Cosmos Travel International Co., Ltd (79,9 tỷ đồng). Tổng cộng khoảng 190,5 tỷ đồng.
Còn 521 tỷ đồng phải trả cho người bán ngắn hạn lại không được Vietravel tiết lộ danh tính các nhà cung cấp.
Có 2 khoản nợ khác, đó là 37 tỷ đồng Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước và 25,7 tỷ đồng Phải trả người lao động.
Vietravel không thuyết minh về Phải trả người lao động nhưng tại ngày 30/6/2024, công ty ghi nhận 2,6 tỷ đồng Phải trả ngắn hạn về Kinh phí công đoàn, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp.
Rủi ro thanh khoản thấp?
Trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2024, Vietravel cho biết, rủi ro thanh khoản là rủi ro mà Tập đoàn sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính do thiếu vốn. Rủi ro thanh khoản của Tập đoàn chủ yếu phát sinh từ việc các tài sản tài chính và nợ phải trả tài chính có thời điểm đáo hạn lệch nhau.
Tập đoàn giảm thiểu rủi ro thanh khoản bằng cách duy trì một lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền và các khoản vay ngân hàng ở mức mà Ban Giám đốc cho rằng đủ để đáp ứng cho các hoạt động của Tập đoàn và giảm thiểu rủi ro do những biến động của luồng tiền.
"Tập đoàn cho rằng mức độ tập trung rủi ro đối với việc trả nợ là thấp. Tập đoàn có đủ khả năng tiếp cận các nguồn vốn cần thiết", Vietravel tỏ ra lạc quan.
Thực tế cho thấy lượng tiền và tương đương tiền của Vietravel thấp hơn rất nhiều so với nợ ngắn hạn – các khoản nợ có áp lực thanh toán trong thời gian ngắn.
Cụ thể, hồi cuối quý 2/2024, tiền và các khoản tương đương tiền của Vietravel đạt 133 tỷ đồng, tăng 42,5 tỷ đồng, tương đương 47% so với cuối năm 2023. Tiền chỉ chiếm 4,8% tổng tài sản công ty. Ngoài ra, Vietravel còn có 13,9 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn (đa số là tiền gửi tiết kiệm).
Trong khi đó, nợ ngắn hạn tại Vietravel lên đến 2.331 tỷ đồng, cao gấp 17,5 lần tiền và các khoản tương đương tiền. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 880 tỷ đồng, cao gấp 6,6 lần tiền.