Vinatex và Hanosimex đồng loạt muốn thoái vốn tại một doanh nghiệp dệt may

28/09/2024 18:21 GMT+7
HĐQT Vinatex và Hanosimex đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ vốn góp tại CTCP Dệt may Liên Phương (LPTex). Đây là một thương hiệu may với 64 năm tuổi, có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

Đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT), doanh nghiệp này sẽ chuyển nhượng toàn bộ 4,5 triệu cổ phần, tương ứng 19,11% vốn điều lệ thực góp tại CTCP Dệt may Liên Phương.

Theo nghị quyết, giá khởi điểm để chào bán cạnh tranh là 12.000 đồng/cổ phần. Vinatex sẽ chào bán cạnh tranh cho dưới 100 nhà đầu tư quan tâm có sự cạnh tranh về giá thông qua công ty chứng khoán. Thời gian dự kiến triển khai từ tháng 9/2024.

Nếu thương vụ hoàn tất, ước tính Vinatex có thể thu về tối thiểu 54 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Dệt may Liên Phương.

Vinatex và Hanosimex đồng loạt muốn thoái vốn tại một doanh nghiệp may - Ảnh 1.

Trích CBTT của Vinatex.

Trước đó, năm 2022, Vinatex cũng từng muốn thoái phần vốn này với giá khởi điểm 19.800 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần tối thiểu có thể thu về là 89 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch đã bất thành.

Như vậy, giá chào bán hiện tại ghi nhận thấp hơn khoảng 39% so với mức giá chào bán của 2 năm trước.

Ngoài Vinatex, Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (Hanosimex, UPCoM: HSM) cũng đăng ký thoái toàn bộ gần 2,1 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 8,87% vốn Dệt may Liên Phương với cùng mức giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến chào bán từ tháng 9/2024.

Theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2024, tại ngày 30/06/2024, Hanosimex ghi nhận khoản đầu tư gốc vào Dệt may Liên Phương là 18 tỷ đồng. Với giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu, Hanosimex có thể "thu về" tối thiểu 25 tỷ đồng, tương ứng tạm lãi 7 tỷ đồng từ thương vụ này.

Vinatex và Hanosimex đồng loạt muốn thoái vốn tại một doanh nghiệp may - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC hợp nhất bán niên năm 2024 của Hanoisimex.

Dệt may Liên Phương được thành lập năm 1960, tên ban đầu là Kỹ nghệ tơ sợi Liên Phương Công ty - Lysyntex. Trụ sở doanh nghiệp tại số 18 đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Giai đoạn 2013-2019, công ty tái cơ cấu sản xuất, sáp nhập với Công ty Vinatex ITC và đổi tên thành CTCP Dệt may Liên Phương.

Vinatex và Hanosimex đồng loạt muốn thoái vốn tại một doanh nghiệp may - Ảnh 3.

Nguồn: Dệt may Liên Phương.

Công ty sở hữu hơn 40.000m2 nhà xưởng trong khuôn viên rộng gần 80.000m2, sở hữu chuỗi dây chuyền sản xuất vải len chải kỹ khép kín từ công đoạn sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may mặc, bao gồm các thiết bị, công nghệ hiện đại, tân tiến đến từ các nước Đức, Ý, Bỉ, Nhật,…Công suất nhà máy lên đến 600.000 bộ/năm.

Vinatex và Hanosimex đồng loạt muốn thoái vốn tại một doanh nghiệp may - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh năm 2023 của Dệt may Liên Phương.

Động thái rút vốn của 2 ông lớn dệt may diễn ra trong bối cảnh năm 2023, Dệt may Liên Phương ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất gần 816 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ sau thuế 51,2 tỷ đồng. Năm 2024, Dệt may Liên Phương đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất là 800 tỷ đồng và lỗ trước thuế 4,5 tỷ đồng.

Linh Anh
Cùng chuyên mục