Lợi nhuận dệt may phân hóa mạnh, hai doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhiều nhất trước bất ổn của Bangladesh
Số liệu thống kê cho thấy, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may và nguyên liệu của Việt Nam ước đạt 19,9 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù ngành dệt may vẫn còn bị ảnh hưởng bởi các biến động từ nền kinh tế thế giới (trong đó có các thị trường chủ lực như Mỹ, EU) nhưng xuất khẩu toàn ngành dệt may của Việt Nam vẫn có những tín hiệu tích cực.
Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp dệt may phân hóa rõ rệt
Dữ liệu Dân Việt thống kê kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của 10 doanh nghiệp dệt may niêm yết đạt 976,2 tỷ đồng, tăng 26% so với trung bình cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, ghi nhận 5 doanh nghiệp tăng trưởng, 3 doanh nghiệp giảm lãi. Còn lại, 2 doanh nghiệp báo lỗ là Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) do không có đơn hàng và Everpia (HoSE: EVE) - doanh nghiệp sản xuất chăn, ga, gối, nệm.
Dẫn đầu về lợi nhuận là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex; UPCoM: VGT) với kết quả lãi 283,5 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ và tăng 38% so với trung bình 10 doanh nghiệp thống kê.
Vinatex cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận tăng vọt là do ngành dệt may đã có dấu hiệu phục hồi; hiệu quả ngành may tương đối tốt do lượng đơn hàng nhiều. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn như: đơn giá thấp, nhiều đơn hàng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng gấp và yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.
Bên cạnh đó, Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) đứng đầu đà tăng trưởng khi lợi nhuận tăng 95% so với cùng kỳ, đạt gần 170 tỷ đồng. Tại báo cáo tháng 7/2024, Dệt may Thành Công cho biết, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, doanh nghiệp đã đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường mới để gia tăng doanh thu xuất khẩu.
Dệt may Thành Công cho hay, hiện, đơn vị đã và đang nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2024 và 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV/2024.
Còn Tổng Công ty May Việt Thắng (HoSE: TVT) ghi nhận kết quả lãi tăng 12% lên 5,8 tỷ đồng. Dù vậy, hồi cuối tháng 7, "ông lớn" dệt may này đã thông báo tuyển dụng 45 lao động cho nhà máy sợi, dệt. Tính đến hết quý II/2024, May Việt Thắng ghi nhận 1.487 nhân sự, giảm khoảng 4% so với cuối năm 2023.
Trong khi đó, ở thái cực còn lại, do "trắng đơn hàng", doanh thu chủ yếu đếm từ mua bán máy móc, Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) phải cắt giảm nhân sự nhằm tiết kiệm chi phí. Tính đến ngày 30/6, số lượng nhân viên của doanh nghiệp là 33 người, tương ứng đã giảm 1.949 người so với đầu năm 2023.
Ngành dệt may Bangladesh "gặp khó", cơ hội cho doanh nghiệp Việt?
Các cuộc biểu tình liên quan đến hạn ngạch việc làm gần đây ở Dhaka khiến làn sóng biểu tình lan ra cả nước Bangladesh cũng như bạo động lật đổ cựu Thủ tướng Hasina trong thời gian này, đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của Bangladesh trong những ngày gần đây.
Bangladesh là một trong số các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam (sau Trung Quốc).
Giới chuyên gia nhận định, tình hình này kéo dài sẽ tác động trực tiếp đến ngành dệt may - ngành chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh vào năm 2023.
Nhóm chuyên gia CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) lưu ý rằng, các thương hiệu thời trang hàng đầu từ Châu Âu (H&M, Zara...) đều là những mặt hàng xuất khẩu chính của Bangladesh. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, do đó, nhiều khách hàng đã cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
"Là một quốc gia láng giềng cung cấp bông cho Bangladesh, chúng tôi cho rằng Ấn Độ là nước được hưởng lợi lớn nhất trong biến động ngắn hạn này", nhóm chuyên gia cho biết.
Còn đối với Việt Nam, SSI Research cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước có tỷ trọng đóng góp cao nhất từ thị trường Châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT ở mức cao (đây là lợi thế cạnh tranh của Bangladesh) có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi này.
Bên cạnh đó, SSI nhấn mạnh, thị phần xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang Hoa Kỳ vẫn giữ ổn định ở mức 7,1% từ năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 và Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam (thị phần của Việt Nam tại Hoa Kỳ là 15%).
Do đó, trong số các cổ phiếu dệt may mà nhóm chuyên gia nghiên cứu, ngoài mức tăng gần đây của cổ phiếu dệt may trong những ngày gần đây, SSI Research cho rằng TNG sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do có tỷ trọng đóng góp cao từ thị trường Châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT cao hơn so với các công ty cùng ngành như TCM và MSH.