Vĩnh Hoàn (VHC) chào mua 50% vốn của công ty bánh phồng tôm

03/12/2020 13:57 GMT+7
Công ty Thuỷ sản Vĩnh Hoàn vừa thông báo đăng ký tham gia mua cổ phần của Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) trong đợt chào bán cạnh tranh của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Vĩnh Hoàn (VHC) chào mua 50% vốn của công ty bánh phồng tôm - Ảnh 1.

Lĩnh vực kinh doanh chính của VHC là chế biến xuất khẩu cá tra, basa đông lạnh

Được biết, SCIC dự thoái toàn bộ lô 3,56 triệu cổ phần, tương đương 49,89% vốn. Giá khởi điểm là 97.500 đồng/cp, tương đương mức thị giá trên thị trường hiện nay là 98.000 đồng/cp. Tương ứng, tổng giá trị khởi điểm cả lô gần 347 tỷ đồng. 

Vĩnh Hoàn hiện chưa sở hữu cổ phần Sa Giang và không có người nội bộ. Khối lượng mà công ty cá tra đăng ký mua là toàn bộ 3,56 triệu cổ phần.

VHC hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chính là chế biến xuất khẩu cá tra, basa đông lạnh. Theo báo cáo tài chính quý 3/2020 hợp nhất, VHC ghi nhận lợi nhuận sụt giảm quý tiếp theo vì giá bán giảm. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 5.094 tỷ đồng, giảm 11%; lợi nhuận trước thuế đạt 620,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 551,6 tỷ đồng, giảm 44% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Tại ngày 30/09/2020, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn đạt 7.008 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, chủ yếu đến từ tài sản cố định tăng.

Vĩnh Hoàn (VHC) chào mua 50% vốn của công ty bánh phồng tôm - Ảnh 2.

SGC tiền thân là xưởng sản xuất bánh phồng tôm Sa Giang

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) tiền thân là Xưởng sản xuất bánh phồng tôm Sa Giang được thành lập năm 1960. Hiện, Công ty sản xuất và mua bán thực phẩm chính là bánh phồng tôm, hủ tiếu, bánh phở, đu đủ sấy. Công ty cũng tham gia mua bán, chế biến, bảo quản thủy hải sản và các sản phẩm từ thủy hải sản; mua bán, chế biến thịt, mỡ đóng gói và đóng hộp…

Vốn điều lệ của Xuất nhập khẩu Sa Giang sau nhiều lần điều chỉnh từ khi thành lập hiện đạt giá trị hơn 71 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của công ty, lũy kế 9 tháng năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 229 tỷ đồng và 23 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,6% và 9,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, tính riêng quý III thì mức độ tăng trưởng của lợi nhuận mà Xuất nhập khẩu Sa Giang đạt được là 54,36%, chủ yếu sản lượng tiêu thụ tăng và giá nguyên vật liệu giảm so với quý III/2019.

Cổ phiếu SGC hiện đang được giao dịch ở mức giá 81.400 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 16/11/2020), mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 3 trở lại đây. Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 500 tỷ đồng.

Hiện nay ngoài SCIC, Xuất nhập khẩu Sa Giang còn có cổ đông lớn khác là thành viên HĐQT Trần Thị Thanh Thúy (đang là Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Thiên Minh Phúc – hoạt động trong lĩnh vực bao bì) với tỷ lệ sở hữu 21,08%.

PV
Cùng chuyên mục