Virus corona "làm khó" mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% trong quý I của Việt Nam?

03/02/2020 14:56 GMT+7
Theo SSI, hiện nay Việt Nam đã đẩy mạnh kết nối thương mại quốc tế và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó bất cứ sự gián đoạn nào trên toàn cầu từ các nhà cung cấp chính như Trung Quốc có thể là mối đe doạ lớn đối với tăng trưởng của Việt Nam.

Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa có báo cáo đánh giá tác động của dịch cúm viêm phổi cấp do virus Corona gây ra.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% trong quý I là rất thách thức

Theo SSI, rất khó để so sánh tác động đối với nền kinh tế giữa các đợt dịch bệnh trước đây. Dịch SARS không tác động quá lớn đến nền kinh tế Việt Nam nhưng hiện nay Việt Nam đã đẩy mạnh kết nối thương mại quốc tế và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong ngành sản xuất. Do đó, bất cứ sự gián đoạn nào trên toàn cầu từ các nhà cung cấp chính như Trung Quốc có thể là mối đe doạ lớn đối với tăng trưởng của Việt Nam. Một điểm cần theo dõi là các cửa khẩu như Lào Cai, Lạng Sơn sẽ bị đóng cửa đến ít nhất đến ngày 8/2, đây là cửa ngõ giao thương của Việt Nam. Việc hạn chế thị thực từ các khu vực của Trung Quốc sẽ làm xuất khẩu nông nghiệp và du lịch bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá của SSI, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% trong quý I là rất thách thức, và kịch bản sẽ xảy ra trong khoảng 6-6,5%. Mức tăng trưởng thấp (khoảng 5-6%) sẽ là mối lo ngại. "Chúng ta có thể xem xét một tình huống là Chính phủ cần đưa ra một mức hỗ trợ lớn để phục hồi tăng trưởng trong nửa sau của năm 2020 để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% cho cả năm 2020", SSI nêu quan điểm.

Virus corona "làm khó" mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% trong quý I của Việt Nam? - Ảnh 1.

Trong báo cáo nhanh đánh giá tác động của dịch cúm viêm phổi cấp do virus Corona (hay gọi là cúm nCoV) đối với vĩ mô và TTCK Việt Nam của Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC), BSC cho biết, du lịch và các ngành liên quan chịu tác động tiêu cực nhất.

Dựa trên tính toán của ANZ, nếu lượng khách Trung Quốc giảm 75% trong quý này, xuất khẩu du lịch đối với Trung Quốc có thể giảm bằng 0,24% GDP năm 2019, trong khi nếu xuất khẩu tới Trung Quốc giảm 20% trong quý 1 thì xuất khẩu hàng hoá tới Trung Quốc có thể giảm bằng 0,59% GDP năm 2019. Tuy vậy theo đánh giá của BSC, GDP các nước bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch SARS đã hồi phục tích cực sau giai đoạn cao điểm của dịch, cho thấy tình trạng tiêu cực có thể sẽ không kéo dài.

Đồng quan điểm, công ty chứng khoán VnDirect cũng chỉ ra rằng, các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm du lịch, lưu trú, hàng không khi nhu cầu du lịch, đi lại của người Trung Quốc lẫn cả khu vực Châu Á chịu ảnh hưởng khi người dân có tâm lý hạn chế di chuyển trong thời gian diễn ra dịch.

Hiện tại, Cục Hàng không đã dừng cấp phép đối với các chuyến bay thường lệ đến/từ Việt Nam kết nối với các tỉnh thành có dịch của Trung Quốc. Các tour du lịch từ Trung Quốc cũng bị tạm dừng khiến ngành du lịch và hàng không Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là trong mùa cao điểm Quý 1 này.

Đồng thời, trong bối cảnh nhằm kiểm soát dịch, các biện pháp liên quan đến thắt chặt qua lại biên giới có thể sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Do vậy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc có thể gặp khó khăn. Với rủi ro nói trên, các ngành nghề xuất khẩu theo đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm...sẽ chịu tác động đáng kể trong ngắn hạn.

Bên cạnh yếu tố về giao thương khó khăn, một số ngành sản xuất tại Hồ Bắc có thể bị đình trệ, kéo theo gián đoạn nguồn cung. Do vậy các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp có nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc vào nước này có thể chịu nhiều ảnh hưởng. Những ngành có thể chịu tác động từ sự ngưng trệ sản xuất bao gồm: dệt may (nhập khẩu sợi, vải), điện tử, tiêu dùng (linh kiện, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc), thép dẹt (nhập khẩu HRC). Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng việc gián đoạn nguồn cung tiềm tàng này có thể chỉ mang tính tạm thời và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có thể sớm được phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo lịch sử từ các dịch bệnh trong quá khứ, ngành bán lẻ hàng hóa tiêu dùng lâu bền, xa xỉ cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh nhu cầu mua sắm yếu đi. Các nhà bán lẻ/phân phối các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng lâu bền, trang sức cũng như BĐS bán lẻ có thể sẽ gặp khó khăn nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Một số ngành có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn

Virus corona "làm khó" mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% trong quý I của Việt Nam? - Ảnh 3.

Bên cạnh những tác động tiêu cực, một số ngành có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ sự gián đoạn nguồn cung hàng hóa từ Hồ Bắc nhập khẩu vào Việt Nam là những ngành nằm ở phân khúc hạ nguồn và chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sản phẩm từ Trung Quốc như dệt may, thép, săm lốp.

Ngoài ra, những ngành mà Việt Nam và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu cũng có thể ghi nhận đơn hàng gia tăng trong ngắn hạ do sự chuyển dịch tạm thời từ Trung Quốc sang Việt Nam như dệt may và da giày. trong khi đó, nhóm ngành dược, vật tư y tế và bán lẻ dược có thể được hưởng lợi tuy nhiên quy mô của nhóm ngành này còn nhỏ.

Cụ thể hơn, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thuốc (đặc biệt là thuốc đặc trị) và các công ty phân phối, sản xuất vật tư y tế là các doanh nghiệp chính được hưởng lợi. Còn lại đa phần các doanh nghiệp dược trong nước chủ yếu sản xuất các sản phẩm kháng sinh, thuốc chữa bệnh đơn giản và thực phẩm chức năng không được hưởng lợi từ sự bùng phát của dịch. Ngược lại với bán lẻ truyền thống, hoạt động thương mại điện tử có thể được ưu tiên lựa chọn. Khi người dân giảm nhu cầu đi mua sắm tại cửa hàng vật lý, nhu cầu đối với hoạt động mua sắm online, giao hàng, chuyển phát có thể gia tăng

Lê Thúy
Cùng chuyên mục