Vụ tồn dư Ethylene Oxide trong mì Hảo Hảo: Acecook sẽ tổ chức họp báo vào ngày 13/9

12/09/2021 09:32 GMT+7
Liên quan tới vụ việc mì Hảo Hảo của Công ty Acecook Việt Nam xuất sang EU bị thu hồi vì có chứa Ethylene Oxide, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM cho biết ngày mai (13/9) Vina Acecook sẽ tổ chức họp báo để công bố thông tin.

Theo Vietnamfinance, ngày 11/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức diễn đàn trực tuyến với chủ đề kết nối tiêu thụ nông sản nhằm thúc đẩy kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm tươi sống vào thị trường TP. HCM.

Tại diễn đàn, liên quan đến thông tin mì Hảo Hảo của Công ty Acecook Việt Nam xuất sang EU có chứa chất cấm Ethylene Oxide, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cho biết Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho biết các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm Công ty Cổ phần Acecook đã chấp hành đúng pháp luật Việt Nam.

"Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại các đơn vị để xem xét vấn đề an toàn thực phẩm xuất sang Châu Âu", Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin thêm.

Vụ tồn dư Ethylene Oxide trong mì Hảo Hảo: Acecook sẽ tổ chức họp báo vào ngày 13/9 - Ảnh 1.

Công ty Acecook sẽ tổ chức họp báo để công bố thông tin không có tồn dư EO trong các mẫu rau gia vị nguyên liệu. ẢNh NDH

Cũng tại hội nghị, ông Trần Minh Hải, giám đốc trung tâm đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác, thành viên Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT tại khu vực phía Nam, cho biết từ ngày 1/9 đến nay xuất hiện tình trạng ùn ứ bất thường của rau, củ, quả gia vị như ngò gai, gừng, riềng,…và nhiều khả năng có sự liên quan đến thông tin về chất Ethylene Oxide tồn dư trong sản phẩm mỳ ăn liền của Công ty Cổ phần Acecook tại thị trường Châu Âu.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM, cho biết lúc đầu khi nhận được thông tin đó từ Châu Âu thì các doanh nghiệp sản xuất mì gói rất hoang mang.

“Khi chưa biết cụ thể chất Ethylene Oxide này có nằm trong hành lá, rau quả hay không, Công ty Cổ phần Acecook đã lấy mẫu rau, củ, quả sản xuất gia vị mì gói đi kiểm định, kiểm nghiệm tại hai đơn vị kiểm định uy tín của ngước ngoài, ngay cả khi chưa có chỉ đạo của Bộ Công thương”, bà Chi chia sẻ thêm.

Cũng theo bà Chi, phía Công ty Cổ phần Acecook đã có báo cáo gửi đến Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM và Acecook sẽ tổ chức họp báo để thông tin chính thức về vấn đề này.

Trước đó, ngày 9/9, Sở Công thương tỉnh Bình Dương thông tin đã gửi công văn liên quan đến Chi nhánh Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tại Bình Dương đề nghị báo cáo liên quan vụ việc nghi vấn mì Hảo Hảo chứa chất cấm theo cảnh báo của Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland.

Theo đó, Sở Công thương Bình Dương đề nghị Công ty Cổ phần Acecook báo cáo rõ vụ việc nêu trên, nêu quy trình sản xuất, sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với sản phẩm mì Hảo Hảo, miến Good.

Sở Công Thương Bình Dương cũng đề nghị cung cấp toàn bộ danh mục và hồ sơ công bố của tất cả các sản phẩm do Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đang phân phối trong và ngoài nước.

Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam có chi nhánh đặt nhà máy sản xuất trên đường ĐT 743 thuộc phường An Phú, thành phố Thuận An tỉnh Bình Dương.

Sau khi xác minh, làm rõ chất lượng toàn bộ các sản phẩm của Acecook đang sản xuất và kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Sở Công Thương sẽ có báo cáo cho Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương.

Liên quan việc mì Hảo Hảo bị cơ quan quản lý châu Âu thu hồi vì có chứa chất Ethylene Oxide (EO), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết hiện Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, hiện Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng...

“Vì vậy trong trường hợp này, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu”, Vụ Khoa học và Công nghệ khuyến cáo.


M.Lan
Cùng chuyên mục