Số vụ phá sản tại Nhật Bản tăng vọt 49% trong tháng 8 khi đại dịch kéo dài

11/09/2021 19:20 GMT+7
Số vụ phá sản do Covid-19 ở Nhật Bản trong tháng 8 đã tăng vọt 49% so với cùng kỳ năm ngoái lên 121 vụ trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ tư.

Phân tích từ cơ quan nghiên cứu Tokyo Shoko Research được công bố trong tuần này cho thấy trong 8 tháng đầu năm nay, Nhật Bản ghi nhận 1.026 vụ phá sản doanh nghiệp, chiếm tới 26% tổng số vụ phá sản kinh doanh ở Nhật Bản trong thập kỷ này.

Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, số vụ phá sản đã duy trì ở con số trên 100 vụ trong suốt 8 tháng. Chỉ riêng trong tháng 7 qua, số vụ phá sản do Covid-19 lên tới 138 vụ.

Yoshihiro Sakata, một nhà phân tích tại Tokyo Shoko Research nhận định nhiều doanh nghiệp đang trở nên bi quan sau khi đại dịch kéo dài 19 tháng đe dọa doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Số vụ phá sản tại Nhật Bản tăng vọt 49% trong tháng 8 khi đại dịch kéo dài - Ảnh 1.

Số vụ phá sản tại Nhật Bản tăng vọt 49% trong tháng 8 khi đại dịch kéo dài (Ảnh: Nikkei Asian Review)

204 vụ phá sản, tương đương 20% nằm trong lĩnh vực nhà hàng và quán bar. Đây cũng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bậc nhất kể từ đầu đại dịch đến nay khi các quán rượu, nhà hàng phải ngừng hoạt động và người dân bị hạn chế di chuyển do chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp. Ngay cả trong kỳ Thế vận hội Tokyo vừa qua, các nhà hàng và quán rượu cũng không có thêm thu nhập do không có khán giả và bị hạn chế thời gian hoạt động.

Tadayuki Susumu, chủ một quán bar nhỏ ở phường Setagaya, Tokyo đã đóng cửa quán bar suốt từ 12/7 đến nay, khi Tokyo bắt đầu bước vào tình trạng khẩn cấp lần thứ 4. Từ đó đến nay, anh duy trì hoạt động kinh doanh nhờ viện trợ tài chính của chính quyền Tokyo. Tuy nhiên, không may mắn như quán bar nhỏ của Susumu, các cửa hàng quy mô trung bình và lớn không thể tự trang trải chi phí duy trì hoạt động kinh doanh do tiền thuê mặt bằng và lao động là con số lớn. Theo Tokyo Shoko Research, số lượng nhà hàng do 11 doanh nghiệp lớn điều hành đã giảm khoảng 9% tính đến cuối tháng 3 năm nay so với thời điểm trước đại dịch.

Ngoài lĩnh vực dịch vụ, các ngành như xây dựng, may mặc, sản xuất và chế biến thực phẩm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng đại dịch. Các trường hợp nhiễm mới Covid-19 tại Nhật Bản đã tăng lên mức kỷ lục 25.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng 8 trước khi giảm xuống khoảng 12.000 ca mỗi ngày kể từ đầu tháng 9.

Tờ Nikkei Asian Review chỉ ra rằng nền kinh tế Nhật Bản đối mặt với áp lực tăng trưởng giảm tốc do sự bùng phát đại dịch, nhất là làn sóng dịch gây ra bởi biến chủng Delta gần đây. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BoJ Haruhiko Kuroda mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến chừng nào đạt được mức lạm phát mục tiêu 2%, ngay cả khi nền kinh tế đã vượt qua đại dịch. Ông này kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng; sản xuất và xuất khẩu sẽ phục hồi trở lại khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, tuy nhiên cảnh báo dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến bất ổn. Do đó, Ngân hàng Trung ương sẽ “tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay cũng như các hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp”. “Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng nới lỏng thêm chính sách tiền tệ mà không do dự”.

Ryutaro Kono, nhà kinh tế trưởng tại BNP Paribas nhận định rằng trong tháng 9, chi tiêu tiêu dùng của Nhật Bản dự kiến vẫn trong tình trạng “bế tắc” khi người tiêu dùng thận trọng trong làn sóng dịch Covid-19 lần này. 

Một điểm sáng là khi tỷ lệ tiêm chủng lên cao, các hạn chế đi lại có thể nới lỏng, tạo đà phục hồi cho các ngành đang gặp khó khăn như nhà hàng, quán bar, du lịch… Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ dần nới lỏng các hạn chế kiểm dịch vào mùa thu năm nay.


NTTD
Cùng chuyên mục