Bị buộc bồi thường gần 1,7 tỷ đồng cho hợp đồng uỷ thác nhập Rowatinex, Vidipha tiếp tục khiếu nại
Theo đó, nguyên đơn là CTCP Dược phẩm Nhật Đức (gọi tắt là Công ty Nhật Đức) và bên có liên quan - CTCP Dược phẩm E.U.R.O.L.I.N.K (gọi tắt là Công ty Eurolink) có ủy thác cho bị đơn là CTCP Dược phẩm Trung ương Vidipha (HoSE: VDP) nhập khẩu thuốc Rowamtinex.
Trong quá trình nhập khẩu và kê khai hải quan đều thể hiện thuốc Rowatinex có mã hàng hóa 3004.90.99; Loại khác, có mức thuế xuất nhập khẩu là 0%. Do đó, các bên không phải nộp thuế nhập khẩu cho mặt hàng này (thuốc hoá dược)
Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra sau thông quan tại Vidipha, Cục kiểm tra thông quan ban hành kết luận, trong đó có phần kết luận về vi phạm của Vidipha trong kê khai áp thuế đối với thuốc Rowatinex. Theo đó, áp mã hàng hóa thuốc Rowatinex là 3004.90.98; thuốc đông y từ thảo dược có thuế xuất nhập khẩu ưu đãi 5% thay vì 0%.
Trên cơ sở này, Cục kiểm tra sau thông quan ban hành Quyết định số 53, ấn định thuế, buộc Vidipha phải nộp số tiền gần 1,66 tỷ đồng do khai sai mã số hàng hóa, thuế suất, thuế nhập khẩu trong các hợp đồng nhập khẩu ủy thác thuốc Rowatinex.
Ngày 2/2/2021, Vidipha đã hoàn thành nghĩa vụ nộp gần 1,66 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Ngày 29/4/2021, Công ty Nhật Đức và Eurolink đã thanh toán lại số tiền trên tỷ đồng cho Vidipha.
Sau đó, Công ty Nhật Đức và Công ty Eurolink cho rằng, quyết định ấn định thuế 5% đối với thuốc Rowatinex là không phù hợp. Do đó, 2 doanh nghiệp này đã làm đơn khiếu nại gửi Cục kiểm tra sau thông quan.
Tuy nhiên, Cục kiểm tra sau thông quan không thụ lý giải quyết khiếu nại của 2 doanh nghiệp này do người đại diện không hợp pháp để thực hiện khiếu nại. Lý giải về vấn đề này, Cục kiểm tra sau thông quan cho biết, nguyên nhân do người khai Hải quan là Công ty Vidipha và không có sự ủy thác giữa Công ty Nhật Đức hoặc Công ty Eurolink với Vidipha trên hồ sơ.
Theo đó, Công ty Nhật Đức và Eurolink đã yêu cầu Vidipha ủy quyền để đại diện Vidipha thực hiện khiếu nại nhưng không được Vidipha chấp thuận. Kết quả, Công ty Nhật Đức và Công ty Eurolink cho rằng, việc Vidipha không thực hiện khai báo ủy thác trên hồ sơ khai hải quan, không ủy quyền cho khiếu nại khiến 2 doanh nghiệp thiệt hại gần 1,66 tỷ đồng.
Do đó, Công ty Nhật Đức và Công ty Eurolink khởi kiện yêu cầu Vidipha phải bồi thường số tiền này.
Nhưng phía Vidipha không đồng ý vì cho rằng không có quy định bắt buộc phải khai tên Công ty Nhật Đức và Công ty Eurolink. Ngoài ra, Vidipha nhận định, việc khiếu nại Quyết định 53 sẽ không được chấp nhận do không có căn cứ pháp luật và làm ảnh hưởng uy tín của Vidipha với Hải quan.
Đồng thời, theo Vidipha, trong hợp đồng ủy thác của các bên cũng không có quy định về việc Vidipha phải có nghĩa vụ ủy quyền cho Công ty Nhật Đức và Công ty Eurolink để khiếu nại quyết định về thuế.
Tại bản án, Tòa án nhân dân tối cao TP. Hồ Chí Minh không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của Vidipha, đồng thời chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty Nhật Đức và bên có liên quan là Công ty Eurolink. Qua đó, buộc Vidipha bồi thường cho Công ty Nhật Đức và Công ty Eurolink số tiền gần 1,66 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc chậm công bố thông tin bản án, Vidipha cho biết, phải đến ngày 20/5/2024, Vidipha mới nhận được bản án số 105/2024/KDTM-PT ngày 7/5/2024 của Tòa án.
Đáng chú ý, Vidipha cho hay, đơn vị này chưa đồng tình với nội dung phán quyết và tin rằng đây chưa phải phán quyết cuối cùng của pháp luật. Do đó, Vidipha đã tiến hành thủ tục khiếu nại theo quy định với mong muốn được xét xử lại công bằng và chính xác hơn.
Đồng thời, Vidipha cam kết sẽ giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả; và sẽ nhanh chóng công bố thông tin về nội dung phán quyết ngay sau khi nhận được phản hồi khiếu nại từ Tòa án nhân dân cấp cao.