"Vua cá" Hùng Vương lỗ lũy kế 650 tỷ đồng, dòng tiền âm, vì đâu?
Công ty Cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG) của ông Dương Ngọc Minh vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất cho kỳ kế toán 1/10/2018 - 30/6/2019.
Theo đó, trong kỳ (1/4 – 30/6), HVG của vua cá tra Dương Ngọc Minh đạt doanh thu thuần 527 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ.
Tương ứng, giá vốn hàng bán giảm sâu từ mức 1.391 tỷ đồng trong quý II/2018 xuống còn 559 tỷ đồng trong quý này. Tuy nhiên, mức giảm của giá vốn nhanh hơn so với doanh thu khiến cho thủy sản Hùng Vương âm 32 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Cùng kỳ năm trước lợi nhuận gộp của HVG dương gần 61 tỷ đồng.
Việc giảm doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng được lý giải do doanh nghiệp đã thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, cắt giảm mảng kinh doanh bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bã nành, bắp, lúa mì). Được biết, Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng được vua cá tra Dương Ngọc Minh thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần cho VinEco của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Đây từng được coi là cỗ máy in tiền của “vua cá” Hùng Vương.
Bên cạnh đó, giá cá nguyên liệu trong quý vừa qua giảm gần 2 lần từ 34.000 xuống 18.000 đồng/kg khiến giá xuất khẩu cũng giảm sâu.
Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính của HVG kỳ chỉ đạt vẻn vẹn 5 tỷ đồng, “bốc hơi” tới gần 130 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính vẫn tăng thêm hơn 10 tỷ so với cùng kỳ, trong đó có tới 72% là chi phí đến từ lãi vay.
Theo giải trình của Hùng Vương, doanh thu tài chính giảm là do khoản lãi 121,1 tỷ đồng từ việc thoái vốn Công ty CP Thức Ăn Chăn Nuôi Việt Thắng phát sinh trong quý 3 năm 2018. Trong khi chi phí tài chính tăng chủ yếu do phân bổ lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua 2 công ty thuộc lĩnh vực chăn nuôi (Công ty TNHH Giống Chăn Nuôi Việt Thắng An Giang và Công ty TNHH Giống Chăn Nuôi Việt Thắng Bình Định).
Trong kỳ, điểm tích cực trong kết quả hoạt động của thủy sản Hùng Vương đến từ lợi nhuận của công ty liên kết, liên doanh và các khoản chi phí của doanh nghiệp.
Cụ thể, lợi nhuận trong công ty liên doanh, liên hết lãi trong kỳ 22 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 23 tỷ. Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng lần lượt là 27,8 tỷ và 35 tỷ đồng, giảm tương ứng 25% và 26% so với cùng kỳ.
Chi phí bán hàng giảm 12 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 6,8 tỷ đồng chủ yếu do việc thoái vốn khỏi Công ty CP Hùng Vương Sông Đốc và Công ty CP Địa ốc An Lạc.
Dù vậy, Hùng Vương của vua cá tra Dương Ngọc Minh vẫn chịu lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 143 tỷ. Ngoài ra, khoản lợi nhuận khác của HVG cũng giảm lỗ từ 21 tỷ xuống chỉ còn 4,5 tỷ đồng. Kết quả, thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh lỗ sau thuế 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 14 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày trong quý vừa qua, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 1,4 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng của niên độ tài chính 2018-2019, vua cá tra Hùng Vương thu về 3.264 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế ghi nhận âm 257 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 650 tỷ đồng trên vốn điều lệ 2.270 tỷ.
Tại thời điểm 30/6/2019, tổng tài sản của Hùng Vương đạt 8.833 tỷ đồng, tăng 3% so với ngày 1/10/2018. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn 4.226 tỷ đồng, tăng 4%; hàng tồn kho 1.915 tỷ đồng.
Tiền và các khoản tương đương tiền của vua cá tra Dương Ngọc Minh từ hơn 400 tỷ đầu năm tài chính giờ chỉ còn 80 tỷ. Trong khi đó, nợ phải trả từ 6.441 tỷ đầu niên độ tài chính tăng lên 7.030 tỷ. Riêng nợ ngắn hạn của HVG tăng từ 6.298 tỷ đồng lên 6.842 tỷ đồng, chiếm 77% nguồn vốn.
Trong kỳ, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của HVG âm 247 tỷ đồng, cùng kỳ dương 568 tỷ phần lớn là do các khoản phải thu giảm từ 562 tỷ của cùng kỳ xuống âm gần 570 tỷ; hàng tồn kho giảm mạnh 629 tỷ xuống chỉ còn 18 tỷ; các khoản phải trả dương 305 tỷ, cùng kỳ âm 268 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong các khoản phải thu và phải trả, phải thu của khách hàng và phải thu khác hay phải trả người bán của HVG hầu hết nằm tại các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với HVG, phần còn lại là các doanh nghiệp có liên quan.
Ngoài kết quả kinh doanh “bết bát”, nửa đầu năm 2019 vừa qua, HVG của vua cá tra Dương Ngọc Minh gặp cú sốc lớn đến từ kết quả về thuế chống bán phá giá POR14 đối với lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017 theo công bố của Bộ thương mại Mỹ.
Theo đó, mức thuế cuối cùng của POR14 đối với Thủy sản Hùng Vương là 3,87 USD/kg. Kết quả này gây “sốc” đối với Hùng Vương và cổ đông khi kết quả sơ bộ được công bố trước đó là 0USD/kg, tức cá tra của Hùng Vương dự kiến sẽ được miễn thuế khi xuất khẩu vào Mỹ.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2019, Chủ tịch Hùng Vương Dương Ngọc Minh đã khẳng định rằng khả năng đạt được mức thuế tốt nhất cho Hùng Vương lên tới 80%, 20% còn lại là rủi ro về chính trị. Hùng Vương đã chuẩn bị rất kỹ cho hồ sơ và thuế đợt POR 14, gồm nhiều luật sư, công ty chuyên phân tích số liệu, tổng vốn bỏ ra cho đợt xem xét POR14 lần này lên đến 2 triệu USD.
Ông Dương Ngọc Minh tự tin Hùng Vương sẽ quay trở lại thời kỳ 2010-2011 và kế hoạch kinh doanh năm 2019 (doanh thu 4.400 tỷ đồng và lợi nhuận 100 tỷ đồng) là kịch bản xấu nhất không bao gồm kết quả POR14. Nếu kết quả POR14 khả quan, Hùng Vương sẽ quay về mục tiêu 20.000 tỷ doanh số/năm vào năm 2020, thậm chí sẽ mua lại cổ phần VTF đã bán cho Vingroup để phát triển lâu dài.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đã khiến vua cá tra Dương Ngọc Minh “vỡ mộng lớn”?
"Vua cá tra" Dương Ngọc Minh liên tiếp phải bán tài sản trong thời gian qua
Với những khó khăn liên tiếp bủa vây, Thuỷ sản Hùng Vương đang phải bán đi nhiều tài sản lớn. Từ năm 2018 đến nay, công ty đã phải giải thể và bán đất tại Công ty Địa ốc An Lạc, chuyển nhượng cổ phần tại Thực phẩm Sao Ta, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, chấp nhận bán Kho lạnh 2 Tân Tạo, thoái toàn bộ 51% vốn Hùng Vương Sông Đốc, lên kế hoạch bán vốn Agifish và thoái toàn bộ Thủy sản Hùng Vương Bến Tre.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Hùng Vương được giao dịch ở mức giá chưa đến 3.000 đồng và đang bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM duy trì diện kiểm soát đặc biệt.