"Vua tôm" Minh Phú dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 50 đến 70%, lợi nhuận tăng trưởng 93%
Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Năm nay, công ty dự kiến tổ chức đại hội bằng hình thức trực tuyến vào ngày 24/6.
Năm 2022, Thủy sản Minh Phú đặt mục tiêu lợi nhuận tăng gần 93%
Về kết quả kinh doanh năm 2021, Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.578 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 656,6 tỷ đồng ghi nhận giảm lần lượt giảm 5,24% và 2,55% so với năm 2020 và chưa đạt kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên nhờ phối hợp sản xuất - kinh doanh hiệu quả nên kim ngạch xuất khẩu, sản lượng sản xuất của Công ty đều tăng so với cùng kỳ:
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 648,74 triệu USD, tăng 9,9% so với năm 2020.
- Sản lượng sản xuất đạt 59.968 tấn, tăng 1,8% so với năm 2020.
Trong năm 2021, để tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thích ứng với tình hình khôi phục của các thị trường sau đại dịch, Ban Tổng Giám Đốc Tập Đoàn chuyển đổi cơ cấu, tăng tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ (tăng 8,72%), Hàn Quốc (tăng 3,88%) và giảm xuất khẩu vào các thị trường khác như: Nhật Bản (giảm 4,95%), Trung Quốc (giảm 3,80%), Canada (giảm 2,89%).
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Công ty đạt 9.559,17 tỷ đồng, tăng 6,98% so với năm 2020. Tỷ trọng tài sản ngắn hạn chiếm 75,1% và tỷ trọng tài sản dài hạn chiếm 24,9%. Trong năm tài sản ngắn hạn tăng 3,4% chủ yếu từ khoản hàng tồn kho tăng 47,28%với các khó khăn trong việc xuất hàng cũng như tiêu thụ sản phẩm trong giao đoạn bùng phát dịch.
Đối với tài sản dài hạn của Công ty tăng 19,47% so với năm 2020, nguyên nhân từ việc Công ty bước đầu khởi công xây dựng nhà máy chế biến thủy sản Minh Phát và đầu tư thêm vào các hệ thống xử lý, quản lý vùng nuôi khiến cho khoản xây dựng cơ bản dở dang và tài sản cố định lần lượt tăng 12,86% và 14,69%.
Tổng nợ phải trả của Công ty đạt mức 4.067,04 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2021, ghi nhận tăng 12,55% so với năm 2020.
Bước sang năm 2022, "Vua tôm" Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu 21.018 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.266,5 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng 92,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, HĐQT tiếp tục chỉ đạo thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, Minh Phú với tầm nhìn phát triển chuỗi giá trị tôm hướng đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng số. Công ty xác định hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín từ khâu lai tạo con giống cho đến khâu xuất khẩu, phân phối tại các thị trường.
Minh Phú sẽ triển khai các dự án lớn nhằm xây dựng các vùng nuôi tập trung như tôm rừng, tôm quảng canh, tôm siêu thâm canh công nghệ cao và tôm lúa theo phương thức liên kết hợp tác với đầy đủ cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước, dịch vụ kỹ thuật. Trong đó có khu phức hợp chế biến tôm cùng công nghiệp phụ trợ nằm ở gần vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu và giảm chi phí muối ướp, vận chuyển cũng như giảm hao hụt sau thu hoạch. Mô hình sản xuất đặc thù và chuyên môn hoá cao, bao gồm tất cả các thành phần của chuỗi như nghiên cứu - phát triển con giống, nuôi trồng, chế biến, xử lý phụ phẩm và thương mại. Đặc biệt, từng mắt xích sẽ được đồng bộ về công suất để đảm bảo cân bằng cung cầu.
Song song đó, Minh Phú cũng đã và đang phối hợp với Vụ Khoa Học và Công Nghệ của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng các Viện nghiên cứu thủy sản để tập trung gia hóa tôm sú giống kháng bệnh và thích nghi, năng suất cao, giúp tăng thị phần tôm sú từ 20% hiện nay lên đến 50% và cao hơn nữa.
Thủy sản Minh Phú: Năm 2022 chia cổ tức từ 50-70%
Theo tài liệu ĐHĐCĐ, Công ty trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 23% trên mệnh giá, tương đương 2.300 đồng/cổ phiếu và dự kiến thực hiện trong năm 2022.
Năm 2022, Công ty trình cổ đông mức dự kiến cổ tức chia từ 50-70%.
Bên cạnh đó, Minh Phú lên kế hoạch giảm vốn điều lệ khi thực hiện mua lại 56.350 cổ phiếu quỹ từ người lao động để giảm vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng về chỉ còn 1.999,4 tỷ đồng.
Công ty thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới.
Theo đó, nếu tính sau khi điều chỉnh mua lại cổ phiếu quỹ từ nhân viên, nếu phát hành thành công vốn điều lệ công ty sẽ tăng từ 1.999,4 tỷ đồng lên 3.998,9 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2022 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt.
Miễn nhiệm thành viên HĐQT
Theo tài liệu, Thủy Sản Minh Phú trình cổ đông kế hoạch Pphê duyệt miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Nagoya Yutaka và ông Tsukahara Keiichi.
Đồng thời đề cử bổ sung hai thành viên thay thế là ông Sasaki Takahiro và ông Hamaya Harutoshi, đại diện cho nhóm cổ đông MPM Investments Pte. Ltd sở hữu 70,2 triệu cổ phiếu, chiếm 35,1% vốn điều lệ.