“Vua tôm” Minh Phú rót thêm gần 400 tỷ đồng vào hai công ty con
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú mới đây đã nhất trí tăng vốn điều lệ tại hai công ty con là Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang và Công ty TNHH Chuỗi Cung Ứng thủy sản Minh Phú. Tổng số vốn Tập đoàn Thủy sản Minh Phú góp thêm vào hai công ty con này là 398 tỷ đồng.
Theo đó, Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang sẽ được tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 820 tỷ đồng.
Vốn đầu tư phân phối trong giai đoạn 1 là 145 tỷ đồng và sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Giai đoạn 2 của dự án, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú sẽ góp 235 tỷ đồng để hoàn thiện khu nuôi của hai vùng nuôi Minh Phú Lộc An và Minh Phú Kiên Giang.
Đối với Công ty TNHH Chuỗi Cung ứng Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú cũng sẽ góp thêm 18 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ của công ty con từ 2 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng.
Đồng thời, "vua tôm" Minh Phú cũng thông qua phương án phân phối lợi nhuận Công ty TNHH Chuỗi Cung ứng thủy sản Minh Phú từ năm 2014 đến năm 2017 với số tiền là 77 tỷ đồng. Trong đó, 7,7 tỷ đồng được dùng để trích lập các quỹ và số tiền còn lại dùng để thanh toán cổ tức cho công ty mẹ.
Theo báo cáo tài chính kinh doanh được Tập đoàn Thủy sản Minh Phú công bố, năm 2019 công ty đạt được doanh thu thuần 16.395 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của "vua tôm" Minh Phú đạt 1.677 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 443 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2018.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài cũng khiến cho cổ phiếu MPC của "vua tôm" Minh Phú cùng những mã cổ phiếu thủy sản khác giảm giá mạnh trong hai tháng đầu năm nay. Cụ thể, Cổ phiếu MPC của "vua tôm" Minh Phú từ mức giá 22.460 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm hiện chỉ còn giao dịch ở mức giá 18.800 đồng/cổ phiếu.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là trong hai tuần đầu tháng 3. Đã có 35-50% đơn hàng xuất khẩu tôm đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được, lượng tồn kho tại bên xuất khẩu và bên nhập khẩu đều lớn.