Xuất hiện mất cân đối cung-cầu điện tại một số khu vực, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo "nóng"

25/12/2021 07:17 GMT+7
Việc bảo đảm vững chắc cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành điện, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Đảm bảo cung ứng điện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1813/CĐ-TTg ngày 24/12/2021 về việc dự báo nhu cầu điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo.

Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thộc Trung ương; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nêu rõ:

Việc bảo đảm vững chắc cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành điện, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Năm 2021, ngành điện đã cơ bản bảo đảm cung ứng điện, tuy nhiên đã xuất hiện những khó khăn do xuất hiện mất cân đối cung-cầu điện tại một số khu vực. 

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, gắn với thực hiện chương trình phục hồi kinh tế đất nước trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Công Thương chủ động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện các giải pháp để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung ứng điện an toàn, tin cậy cho mọi mặt sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong năm 2022 và các năm tiếp theo, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết và mùa khô; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ: Thực hiện đánh giá và dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt năm 2022 và nhu cầu tăng các năm tiếp theo đến năm 2025 của địa phương, bộ, ngành phụ trách, gửi Bộ Công Thương trước ngày 31/12/2021 để tổng hợp, xây dựng phương án bảo đảm cung ứng điện. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm cung ứng điện an toàn và tin cậy. Tăng cường thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động trong công tác dự báo nhu cầu điện, theo dõi sát diễn biến nhu cầu điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo để xây dựng kế hoạch vận hành tối ưu, đúng quy định; thực hiện công tác vận hành hệ thống điện quốc gia bảo đảm an toàn, tin cậy và hiệu quả.

Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan có các giải pháp toàn diện, đồng bộ và hiệu quả bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong tình hình mới và những năm tiếp theo.

Xuất hiện mất cân đối cung-cầu điện tại một số khu vực, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo "nóng" - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1813/CĐ-TTg ngày 24/12/2021 về việc dự báo nhu cầu điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo. Ảnh: EVN

Chi phí mua điện của EVN năm 2021 dự kiến tăng tới gần 17.000 tỷ đồng

Hiện nay, Việt Nam đang là nước nhập khẩu ròng năng lượng với mức nhập khẩu đáng kể than, dầu và tương lai gần sẽ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc,... do chi giá nhiên liệu đầu vào tăng cao làm giá điện cũng tăng mạnh.

Tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm nay đối với Việt Nam đó là giá các loại năng lượng nhập khẩu tăng theo giá thế giới. Các loại năng lượng sản xuất trong nước cũng tăng với các mức độ khác nhau.

Năng lượng lại là yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất điện và mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó nó sẽ khiến chi phí sản xuất điện nói riêng và chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể. Yếu tố này sẽ có tác động đến quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với Việt Nam, từ tháng 7/2021 trở lại đây, giá nhiên liệu đầu vào của EVN thực hiện đang cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than.

Theo số liệu vận hành hệ thống điện quốc gia, sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng số của tất cả các loại hình nguồn phát. Các thông số giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN đối với các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường. Nếu so với cùng kỳ năm 2020 thì chi phí mua điện của EVN năm 2021 dự kiến tăng tới hơn 16.600 tỷ đồng.

Căn cứ trên đánh giá về tình hình cung cấp điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương và EVN đã đưa ra các giải pháp chính nhằm đảm bảo cung cấp điện.

Đó là, thực hiện rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện.

Bộ Công Thương dự kiến tổng công suất nguồn mới bổ sung năm 2022 đạt 3.164 MW, bao gồm 1.930 MW nhiệt điện, 1.244 MW thủy điện (trong đó 1.132 MW thủy điện nhỏ).

Bộ này cũng đang chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam dốc toàn lực thúc đẩy dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW) phấn đấu hòa lưới điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2022.

Rà soát các dự án có khả năng đẩy sớm tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành, cũng là giải pháp chính được Bộ Công Thương tính đến nhằm bổ sung khả năng cấp điện sớm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục