Xuất khẩu cá ngừ Thái Lan sụt giảm vì cước vận chuyển tăng vọt

10/09/2021 09:06 GMT+7
Dịch Covid-19 đổ bộ, cùng với đó là cước vận chuyển đường biển tăng cao đã đã khiến ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ Thái Lan gặp khó khăn.

Theo Hiệp Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), giá cước vận chuyển từ châu Á đến các châu lục khác tăng cao đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các nhà chế biến Thái Lan. Tình hình này cộng với nhu cầu yếu tại thị trường Mỹ và EU đã tạo áp lực xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan.

Xuất khẩu cá ngừ Thái Lan sụt giảm vì cước vận chuyển tăng vọt - Ảnh 1.

Xuất khẩu cá ngừ Thái Lan giảm mạnh vì Covid-19. Nguồn: Vasep

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), tổng khối lượng xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan trong nửa đầu năm 2021 đạt gần 248 nghìn tấn, trị giá 970 triệu USD, giảm 19% về khối lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan sang các thị trường chính hầu hết đều giảm. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan sang Mỹ giảm 26%, Nhật Bản giảm 5% và EU giảm 20%.

Tại thị trường EU, Hà Lan, Hy Lạp và Italy đang là 3 thị trường NK nhiều nhất cá ngừ của Thái Lan trong nửa đầu năm 2021. Trong đó, XK cá ngừ sáng Hà Lan và Hy Lạp giảm, còn XK sang Italy tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Ai Cập là một trong số ít các thị trường tăng nhập khẩu cá ngừ của Thái Lan, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp. Giá trị XK cá ngừ sang thị trường này trong nửa đầu năm 2021 tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020, và tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019 – thời kỳ trước khi diễn ra đại dịch. Nước này đang là thị trường NK cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 của Thái Lan trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang các quốc gia Trung Đông khác như Ảrập Saudi, UAE hay Israel, lại giảm đáng kể lần lượt là 14%, 2% và 29%. Xuất khẩu của Thái Lan sang Libya cũng giảm 53%, mặc dù xung đột quân sự tại quốc gia này đã chấm dứt vào năm 2020.

Một số thị trường khác cũng đang tăng nhập khẩu cá ngừ của Thái Lan trong giai đoạn này là Nga tăng 69%, Argentina tăng 18% và Nam Phi tăng 38%.

Hiện tại, tình trạng dịch bệnh tại Thái Lan có chiều hướng giảm đáng kể từ mức kỷ lục 23.000 ca/ngày còn 15.000 ca/ngày. Và Thái Lan đã chính thức nới lỏng các lệnh giãn cách kể từ ngày 1/9 khi cho phép trung tâm thương mại, nhà hàng, các sân thể thao ngoài trời được phép mở cửa trở lại trong hoàn cảnh đã tiêm chủng ít nhất 01 mũi cho tới gần 90% người dân thủ đô Bangkok và các tỉnh phụ cận. Điều này tạo điều kiện tốt cho ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ nước này hoạt động bình thường trở lại.

Tuy nhiên, giá cước vận chuyển đường biển từ Bangkok sang Mỹ và Châu Âu vẫn cao gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Điều này đang làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất đồ hộp Thái Lan. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Thái Lan sẽ phục hồi. Có thể phải tới quý 4, xuất khẩu cá ngừ của nước này mới có thể phục hồi xuất khẩu về mức trước khi diễn ra đại dịch, năm 2019.


PV
Cùng chuyên mục