Xuất khẩu Tôm trong nửa đầu tháng 8 lao dốc giảm 34,7%
Kim ngạch xuất khẩu tôm trong nửa đầu tháng 8/2021 của Việt Nam đi hầu hết các thị trường chính đều sụt giảm mạnh. Trong đó, 5 thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam lớn nhất gồm Mỹ (-23,3%), CPTPP (-34,9%), EU (-47,1%), Trung Quốc & Hongkong (-38,8%), Hàn Quốc (-25,3%) ghi nhận sụt giảm 23,3% - 47,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Xét về loại sản phẩm, tôm chân trắng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu tháng 8/2021 giảm 33%; tôm sú giảm 16,4%; tôm đỏ giảm 75,2% và tôm hùm giảm đến 92,8%.
Dù vậy nhờ kết quả xuất khẩu tăng trưởng đạt được trong 7 tháng đầu năm, vì vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/08/2021, kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn đạt giá trị lớn nhất, gần 621,5 triệu USD, tăng trưởng 28,6%; tiếp theo sau là thị trường các nước trong khối CPTPP đạt hơn 608 triệu USD, tăng 11%; EU xếp thứ 3 với doanh số 335,7 triệu USD, tăng 18,1%.
Tháng 8/2021, đồng bằng sông Cửu Long cùng một số tỉnh Đông nam bộ chịu sự tác động khá căng thẳng từ Covid-19. Trong lĩnh vực thủy sản, một số nhà máy chế biến tôm và cá tra phải đóng cửa vì dịch lây lan mạnh trên địa bàn, một số sản xuất '3 tại chỗ'.
Theo khảo sát của VASEP tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được '3 tại chỗ'; khoảng 30-40% doanh nghiệp không đủ thực hiện '3 tại chỗ' đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện '3 tại chỗ'.
Cũng theo khảo sát của VASEP, với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%.
2 đại gia xuất khẩu tôm của Việt Nam là Minh Phú và Fimex VN cho biết, sản lượng sản xuất của họ đã sụt giảm trong tháng 8 vì dịch bệnh.
Cụ thể, Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú đã đặt ra mục tiêu duy trì sản xuất từ nay đến hết năm 2021 đạt trên 70%. Trong khi với FMC, ở tháng 8, FMC có nửa tháng thực thi sản xuất ba tại chỗ và nửa tháng sau có chút nhẹ thở hơn. Tuy nhiên, cái chung là hoạt động chưa thể trở lại tình trạng bình thường vì Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Tình hình trên khiến kết quả hoạt động tháng 8 giảm sút, cơ bản do thu hẹp công suất vì thiếu lao động, dù FMC đã nỗ lực khắc phục.