Xuất khẩu điều sang Trung Quốc tăng mạnh 35% giữa căng thẳng Mỹ - Trung
Từ năm 2006 đến 2018, Việt Nam đã thay thế Ấn Độ để trở thành nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới. Nhờ sự định hướng của Nhà nước, ngành điều Việt Nam phát triển rực rỡ và luôn giữ vững vị thế số 1 của mình trong chuỗi cung ứng xuất khẩu điều nhân trên toàn cầu.
Giá trị xuất khẩu điều đã khởi sắc qua từng năm
Tuy nhiên giá trị điều trong năm 2019 lại có xu hướng giảm khi 9 tháng đầu năm, dù xuất khẩu hạt điều ước đạt 328 nghìn tấn và 2,4 tỷ USD, tăng 20,9% về khối lượng nhưng giảm 5,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đó là bởi giá hạt điều xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm chỉ đạt 7.358 USD/tấn, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Các thị trường xuất khẩu điều chủ yếu của Việt Nam từ đầu năm tới nay
Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng rất mạnh tới 35,4%.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá: Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã giúp xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc tăng mạnh. Để bù đắp sự thiếu hụt các loại hạt nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam. Điều này có thể đẩy giá điều nhân tăng lên trong thời gian tới. Bởi vậy, các doanh nghiệp chế biến nên tập trung vào nâng cao chất lượng hạt điều để đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và dư lượng chất cấm từ các nhà thu mua lớn.
Nhiều rủi ro vẫn còn tồn tại
Xét về tổng thể, ngành điều Việt Nam hiện vẫn tăng trưởng tốt, thu hút hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ tham gia chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành điều Việt Nam cho dù có kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa có nền tảng vững chắc để phát triển.
Một là từ điều thô cho đến điều nhân, mặc dù về tổng quan Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, tuy nhiên lại đang chịu sự kiểm soát và tác động chính yếu từ các doanh nghiệp Ấn Độ hoặc doanh nghiệp có gốc Ấn Độ. Họ hoàn toàn áp đặt cuộc chơi tại "sân nhà" Việt Nam về giao dịch điều thô, đặc biệt về điều kiện thanh toán hoàn toàn bất lợi cho các người mua nội địa.
Trong khi đó, chất lượng và uy tín, cam kết hợp đồng rất thấp, đại đa số không theo sát các điều khoản hợp đồng đã ký. Bằng chứng là các doanh nghiệp của Việt Nam, mà cụ thể là doanh nghiệp nhỏ không có đủ điều kiện để kiểm tra chất lượng hàng hóa tại cảng xếp đều bị thiệt hại nặng nề hoặc bị "xù" hợp đồng khi giá lên, hoặc giao hàng không đúng chất lượng đã ký.
Với một văn hóa kinh doanh chộp giật và mất uy tín như vậy, vô hình chung các doanh nghiệp đến từ Ấn Độ đã lan truyền lề lối kinh doanh đó cho một số doanh nghiệp Việt Nam nhằm "ăn miếng trả miếng", thường xuyên trả đũa lẫn nhau. Hệ quả là toàn ngành điều Việt Nam bị ảnh hưởng nói chung bởi tính cam kết chưa cao và uy tín ngày càng xuống thấp.
Hai là ngành điều Việt Nam vốn dĩ cấu trúc yếu vì nguồn lực bị dàn trải. Hiện cả nước có tới hơn một nghìn doanh nghiệp và kinh tế hộ gia đình tham gia chuỗi cung ứng sản xuất và xuất khẩu điều nhân.
Điều này một mặt dễ bị lũng đoạn bởi các công ty nước ngoài, mặt khác cho thấy ngành điều chưa có một doanh nghiệp nào đủ sức mạnh để đối trọng với các công ty nước ngoài nhằm ổn định thị trường, với những phương thức bán hàng an toàn hơn cho người mua tại Việt Nam.
Đồng thời, có thể giúp đại diện nhà sản xuất kiểm soát tốt nhất về chất lượng nguồn nguyên liệu điều thô nhập khẩu, mua bán minh bạch đúng chất lượng và giá cả phù hợp với thị trường nhờ áp dụng các giải pháp đồng bộ các nguồn lực chủ chốt như logistics, tài chính, phân phối...