Xuất khẩu thủy sản tháng 10 tăng gần 50%, thị trường Mỹ phục hồi mạnh nhất

09/11/2021 07:03 GMT+7
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), sau hai tháng giảm sâu vì COVID-19, xuất khẩu thủy sản tháng 10 có những chuyển biến tích cực, đạt 918 triệu USD, tăng 47% so với tháng 9.

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ phục hồi mạnh nhất

Cụ thể, Xuất khẩu các sản phẩm chính đều tăng trưởng trở lại, cá ngừ và mực bạch tuộc đều tăng 18%, cua ghẹ tăng 13%, tôm tăng 2%.

Tuy nhiên, riêng cá tra vẫn giảm 18% kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 chỉ đạt 139 triệu USD do thiếu nguyên liệu, hoạt động sản xuất, chế biến cá tra ở các địa phương vẫn cầm chừng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Về thị trường tháng 10, VASEP thông tin xuất khẩu thủy sản sang Mỹ hồi phục mạnh nhất với mức tăng 31%, còn sang EU tăng 9%, Hàn Quốc tăng 20%, Canada tăng 17%. Dù vậy, xuất khẩu sang bạn hàng lớn Trung Quốc vẫn giảm sâu 43%.

Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chính như tôm, cá tra, cá ngừ… vẫn giữ được mức tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP nhận định nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn cao, ĐBSCL phủ sóng vắc xin, hạn chế tác động của COVID-19, sản xuất chế biến thủy sản phục hồi là những yếu tố giúp xuất khẩu khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh trong 2 tháng cuối năm.

Xuất khẩu thủy sản tháng 10 tăng gần 50%, thị trường Mỹ phục hồi mạnh nhất - Ảnh 1.

Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cuộc đua doanh số của các doanh nghiệp

Trao đổi với TTXVN, ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) cho biết doanh số xuất khẩu 9 tháng của Camimex ước đạt 42 triệu USD.

3 tháng cuối năm cũng là cao điểm thu mua, chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp ngành tôm, nên chỉ cần nguồn cung nguyên liệu không quá khan hiếm hay bị gián đoạn do dịch COVID-19, Camimex đang chạy đua, hướng đến mục tiêu doanh số xuất khẩu 62-70 triệu USD.

Đại diện Camimex tiết lộ trong tháng 9, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy song nhờ chuẩn bị từ sớm các phương án nên Camimex vẫn duy trì sản xuất trong suốt thời gian giãn cách xã hội, có nguồn tôm chế biến thô dự trữ tương đối khá ở giai đoạn này.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), cho biết năm 2021 công ty được giao kế hoạch thực hiện kim ngạch xuất khẩu đạt 65 triệu USD và tính đến hết tháng 9 đã thực hiện được 50 triệu USD. Suốt 5 tháng nay, 3 nhà máy chế biến thủy sản của BIDIFISCO đều thực hiện sản xuất theo phương án "3 tại chỗ," hơn 1.000 công nhân bám trụ nhà máy để làm việc, không ai về nhà.

Mặt hàng thủy sản xuất khẩu của BIDIFISCO chủ yếu là cá ngừ đại dương, loại cá này chiếm đến 80% trong tổng lượng hàng xuất khẩu hàng năm của công ty; trong đó, thị trường Mỹ chiếm đến 50%, thị trường châu Âu chiếm 40%, còn lại được xuất sang thị trường Trung Đông.

Thêm vào đó, hơn 1 năm qua, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Khi xuất khẩu vào thị trường các nước trong Liên minh châu Âu, thuế quan sẽ được giảm dần về 0% theo lộ trình của EU tùy từng thời điểm; trong đó có mặt hàng thủy sản. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bình Định cạnh tranh với các nước trên thế giới, nhất là với những nước đã được hưởng ưu đãi này từ trước đến nay, bà Lan chia sẻ thêm.

Song song với chế biến và xuất khẩu cá ngừ, ngành chế biến, xuất khẩu tôm cũng đang trên đà khôi phục để về đích trong những tháng cuối năm 2021. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) chia sẻ trong những tháng còn lại của năm nay, thị trường xuất khẩu tôm nhìn chung đang khá thuận lợi.

Lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch… đang từng bước được mở cửa trở lại ở nhiều thị trường. Hầu hết các thị trường chính của tôm Việt Nam đang trên đà phục hồi nhờ tiêm ngừa vaccine diện rộng và triển khai các gói hỗ trợ sau COVID-19.

Thêm vào đó, người tiêu dùng ở nhiều thị trường vẫn đang tiếp tục xu hướng ưa chuộng thực phẩm chế biến sâu, tích hợp nhiều tiện ích, thuận lợi trong việc chế biến món ăn nhanh nhất.

Đi vào phân khúc sản phẩm tôm chế biến sâu, ngành tôm Việt Nam sẽ tránh được sự cạnh tranh đang ngày càng mạnh mẽ từ Ấn Độ và Ecuador vốn có thế mạnh về tôm xuất khẩu tôm thô hoặc tôm sơ chế nhờ vào nguồn tôm nguyên liệu dồi dào và giá rẻ.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người là hàng đầu, an toàn mới sản xuất. Quan điểm này là xuyên suốt, lâu dài đến khi có chuyển biến mới về tác động của COVID-19.

Song song đó, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương phải theo dõi diễn biến tình hình nhu cầu, năng lực các quốc gia là đối thủ để có chiến lược, bước đi phù hợp cho hoàn cảnh hiện nay; nhanh chóng phục hồi sản xuất an toàn và tiến tới ổn định, phát triển cho lâu dài.


An Vũ
Cùng chuyên mục