Nhu cầu Trung Quốc và thế giới đang lên cao, giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam sẽ tăng mạnh

08/11/2021 18:07 GMT+7
Giá cao su trên các sàn giao dịch chủ chốt đang phục hồi trở lại sau khi giảm mạnh trong quý III/2021. Theo ước tính của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 cao hơn sản lượng là 329 nghìn tấn.

Giá cao su tăng mạnh trở lại...

Quý III/2021, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt có xu hướng giảm do tình trạng thiếu container vận chuyển và dịch Covid-19 bùng phát tại khu vực châu Á làm giảm sự kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tế của khu vực. Sang tháng 10 và 11/2021, giá cao su đã hồi phục trở lại trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần hồi phục, trong khi nguồn cung cao su giảm. Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng mạnh cũng là yếu tố tác động tốt đến giá cao su. 

Nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc và thế giới, giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam tăng mạnh  - Ảnh 1.

Nguồn: cf.market-info.jp

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá cao su giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm vào ngày 23/9/2021 (xuống mức 190,5 Yên/kg), sau đó tăng trở lại. Xu hướng tăng tiếp tục diễn ra trong tháng 10/2021. Giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2021 giao dịch ở mức 215 Yên/kg (tương đương 1,89 USD/kg), tăng 7% so với cuối tháng 9/2021, nhưng giảm 29,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc và thế giới, giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam tăng mạnh  - Ảnh 2.

Nguồn: shfe.com.cn

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su giảm xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm đến ngày 22/9/2021 (xuống mức 12.490 NDT/tấn), sau đó tăng trở lại. Giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2021 ở mức 13.710 NDT/tấn (tương đương 2,14 USD/kg), tăng 3,4% so với cuối tháng 9/2021, nhưng giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc và thế giới, giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam tăng mạnh  - Ảnh 3.

Nguồn: thainr.com

Tại Thái Lan, giá cao su trên thị trường giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm vào ngày 23/9/2021 (xuống mức 53,3 Baht/kg), sau đó dần tăng trở lại. Giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 59,14 Baht/kg (tương đương 1,79 USD/kg), tăng 5,9% so với cuối tháng 9/2021, nhưng giảm 26,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 8,9% so với năm 2020, lên 14,116 triệu tấn (tăng so với mức 14,1 triệu tấn dự báo tháng trước). Triển vọng được điều chỉnh là do dự đoán nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... trong năm 2021. Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên, sản lượng cao su tự nhiên thế giới đạt 13,787 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2020 (giảm so với mức 13,86 triệu tấn dự báo tháng trước). Qua số liệu cho thấy, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 cao hơn sản lượng là 329 nghìn tấn.

Trong quý III/2021, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động, dao động quanh mức 260-320 đồng/độ mủ. Do dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên nhiều nông trường quốc doanh ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh ngừng cạo mủ để thực hiện giãn cách xã hội. 

Nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc và thế giới, giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam tăng mạnh  - Ảnh 4.

Đã có gần 1.690ha cao su của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai không khai thác được do công nhân bị cách ly. Ảnh: Trần Khánh

Tháng 10 và 11/2021, giá cao su có xu hướng tăng trở lại theo xu hướng tăng của thị trường thế giới. Hiện giá mủ cao su tiểu điền được các doanh nghiệp thu mua dao động quanh mức 300 345 đồng/độ mủ. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng thu mua ở mức 303-343 đồng/độ mủ, tăng 18 đồng/độ mủ so với cuối tháng trước. Tại Bình Dương giá mủ cao su nguyên liệu được công ty cổ phần cao su Phước Hòa thu mua ở mức 343-345 đồng/độ mủ, tăng 15 đồng/ độ mủ so cuối tháng trước.

Theo các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ tốt hơn từ Trung Quốc và thế giới, giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam sẽ còn tăng lên từ nay tới hết năm 2021.

Nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc và thế giới, giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam tăng mạnh  - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Nhiều cơ hội để cao su của Việt Nam gia tăng thị phần

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý III/2021, Việt Nam xuất khẩu được 574,91 nghìn tấn cao su, trị giá 948,59 triệu USD, giảm 8,9% về lượng, nhưng tăng 20,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Mặc dù lượng cao su xuất khẩu giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 vẫn đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua nhờ giá bán cao su cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 đạt bình quân 1.650 USD/tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Về thị trường xuất khẩu: Cao su của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường thuộc khu vực châu Á, chiếm tới 88,5% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước, với 509,69 nghìn tấn, trị giá 839,4 triệu USD, giảm 13,1% về lượng, nhưng tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong quý III/2021, trị giá xuất khẩu cao su sang tất cả các khu vực đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là châu Mỹ tăng 106,3%, châu Âu tăng 96,4%, châu Phi tăng 89,8% và châu Đại Dương tăng 128,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc và thế giới, giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam tăng mạnh  - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Về chủng loại xuất khẩu: Trừ xuất khẩu một số chủng loại cao su (hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, Latex, RSS3, cao su hỗn hợp, cao su tái sinh, cao su tổng hợp...) giảm, thì phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam trong quý III/2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 64,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 368,68 nghìn tấn, trị giá 608,05 triệu USD, giảm 17% về lượng, nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,3% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 366,11 nghìn tấn, trị giá 603,45 triệu USD, giảm 17,1% về lượng, nhưng tăng 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Về giá xuất khẩu: Trong quý III/2021, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su hầu hết đều có xu hướng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, trừ cao su tái sinh có giá xuất khẩu bình quân giảm.

Nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc và thế giới, giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam tăng mạnh  - Ảnh 7.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Theo số liệu thống kê cho thấy, năm nay, hầu hết các thị trường nhập khẩu cao su lớn đều tăng nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và khối thị trường EU (27)… 

Đáng chú ý, nhập khẩu cao su từ Việt Nam của các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên ngoài Trung Quốc thì thị phần cao su của Việt Nam tại các thị trường này vẫn ở mức thấp. Do đó các thị trường này vẫn còn nhiều cơ hội để cao su của Việt Nam gia tăng thị phần từ nay tới cuối năm. 

Đơn cử thị trường Trung Quốc: Trong 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 9,18 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần cao su Việt Nam chiếm 16,4% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng so với mức 14,3% của cùng kỳ năm 2020. 

EU (27): 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su của EU đạt 7,75 tỷ USD, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, EU nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 102,13 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam chỉ chiếm 1,3% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của EU trong 7 tháng đầu năm 2021. Trong các tháng tới, nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường EU dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các nước này đang dần hồi phục do các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.

Nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc và thế giới, giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam tăng mạnh  - Ảnh 8.

Nguồn: ITC, * Cơ quan Hải quan Trung Quốc, ** Bộ Thương mại Ấn Độ, *** Cơ quan Hải quan Hàn Quốc

Malaysia: Trong 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su của Malaysia đạt 3,12 tỷ USD, tăng 117,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Malaysia nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 13,58 triệu USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần cao su Việt Nam chiếm 0,4% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Malaysia trong 8 tháng đầu năm 2021, giảm so với mức 0,7% của cùng kỳ năm 2020. 

Hoa Kỳ: Trong 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ đạt 2,87 tỷ USD, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Hoa Kỳ nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 53,48 triệu USD, tăng 110,6% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 1,9% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng so với mức 1,2% của cùng kỳ năm 2020. 

Hiện chỉ có "rào cản" khiến cho hoạt động mua bán cao su gặp khó khăn, đó là tình hình vận chuyển chưa có dấu hiệu được cải thiện, tình trạng thiếu container rỗng sẽ tiếp tục diễn ra. Đồng thời, giá cước vận chuyển cao được dự báo kéo dài sang đến năm 2022, sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu cao su của các nước, trong đó có Việt Nam.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục