Xuất khẩu tôm sang EU tăng vọt trên 86%
Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, tháng 11/2021 xuất khẩu tôm của cả nước tăng 16% đạt trên 366 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng mạnh: sang Mỹ tăng 24%, sang Hàn Quốc tăng 19% và tăng đột phá nhất là thị trường EU, tăng 86%. Tính đến hết tháng 11/2021, xuất khẩu tôm của cả nước đạt 3,55 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu tôm sang EU, tăng 16% đạt 548 triệu USD và chiếm 15,4% tổng xuất khẩu tôm của cả nước. Trong đó, 3 nước nhập khẩu lớn nhất là Hà Lan, Đức và Bỉ chiếm 69% nhập khẩu tôm Việt Nam vào EU.
Riêng trong tháng 11, xuất khẩu tôm sang EU đạt 66,5 triệu USD, tăng 86,4%, trong đó, xuất khẩu hầu hết các nước thành viên đều tăng đột phá: sang Hà Lan tăng 47%, sang Đức tăng 87% và sang Bỉ tăng 118%. Ngoài ra, xuất khẩu tôm sang một số thị trường khác trong khối cũng tăng ngoạn mục như sang Pháp tăng 161%, sang Đan Mạch tăng 99%, sang Thụy Điển tăng 196%, sang Italy tăng 123%%...
Tôm Việt Nam được nhập khẩu vào châu Âu qua gần 80 cảng ở các nước. Trong đó, nhập khẩu qua cảng Rotterdam, Hà Lan chiếm tỷ trọng cao nhất gần 23%, tiếp đến là cảng Hamburg, Đức chiếm trên 14% lượng thông quan, cảng Antwerpen (Bỉ) chiếm trên 12,2% lượng thông quan.
Trong tháng 11/2021, xuất khẩu tôm chân trắng tăng 82% đạt trên 51 triệu USD, trong khi xuất khẩu tôm sú tăng mạnh 158% đạt 12,6 triệu USD. Tính đến hết tháng 11/2021, xuất khẩu tôm chân trắng sang EU đạt 437 triệu USD, tăng 16%, chiếm 80% và xuất khẩu tôm sú tăng 31% đạt 87 triệu USD, chiếm 16%.
Tại EU, Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm tôm thẻ chân trắng hấp/luộc và các sản phẩm khác cho các siêu thị, do ngành chế biến có bề dày và nhiều sản phẩm được chứng nhận ASC.
Việt Nam là nhà sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu tôm sú lớn thứ hai sang châu Âu.Trái ngược với tôm sú từ Bangladesh, rất nhiều tôm sú từ Việt Nam được đưa vào các siêu thị và chợ dịch vụ thực phẩm cao cấp của châu Âu.
Nguyên nhân chính là do đã có một số lượng đáng kể các nhà sản xuất tôm sú được chứng nhận ASC ở Việt Nam, vì vậy các nhà sản xuất này có thể tiếp cận các thị trường có yêu cầu chứng nhận ASC. Tại các thị trường này, các nhà xuất khẩu của Việt Nam gặp rất ít hoặc không có sự cạnh tranh.
Trên báo chí, thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, thị trường thuận lợi, giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tận dụng tốt cơ hội để nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Việt Nam đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đây là cơ hội thuận lợi để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu.
Để đạt được giá trị xuất khẩu hơn 4 tỷ USD năm 2022, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm, ông Tiến cho rằng năng suất và chất lượng là hai yếu tố then chốt. Vì vậy, phải chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào đặc biệt là con giống, hạ tầng vùng nuôi.