Tổng Cục Thuỷ sản và VASEP đưa ra 2 kịch bản xuất khẩu tôm năm 2022
Trong năm 2021, xuất khẩu tôm dự kiến thu về khoảng 3,8 tỷ USD. Theo đánh giá từ phía Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đây là kết quả tích cực do năm 2021, ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021.
Tuy nhiên, ngay khi ngành sản xuất trong nước đã thích ứng tốt với dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu tôm đã có nhiều cải thiện. Cụ thể, số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, từ tháng 10/2021 khi 19 tỉnh, thành phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, trị giá xuất khẩu tôm có dấu hiệu phục hồi.
Đặc biệt, từ tháng 11/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP chuyển chiến lược phòng chống dịch Covid-19 từ "Zero Covid-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Theo đó, xuất khẩu tôm đã bật tăng mạnh mẽ.
"Trị giá xuất khẩu tôm trong tháng 11/2021 đạt 367 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu tôm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Mỹ, EU, Australia là những thị trường xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh nhất. Trong khi đó, các thị trường khác chững lại hoặc giảm nhẹ, không được cao như năm trước", đại diện VASEP nhận định.
Trước những tín hiệu tích cực trên, Tổng cục Thủy sản dự báo, năm 2022, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; diện tích nuôi tôm đạt 740.000-745.000 ha; sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn.
Mục tiêu trị giá xuất khẩu tôm đặt ra trong năm 2022 là 3,9 tỷ USD, tăng 2,63% so với năm 2021. Ngoài ra, nhìn nhận cho xuất khẩu tôm năm 2022 cũng khả quan hơn, theo VASEP, con số thu về sẽ khoảng 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.
Về thị trường xuất khẩu, phía VASEP nhận định thêm, thị trường hàng đầu của tôm Việt Nam là Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào năm 2022 khi nhu cầu của Mỹ tăng và Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19.
"Đặc biệt, tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh hơn khi Ấn Độ cũng gặp nhiều rào cản do dịch Covid-19. Ngoài ra, ngành thủy sản của Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm XK từ Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11/2021", đại diện VASEP nhấn mạnh.