Hà Nội mùa ngập lụt

Vinh Hải Thứ hai, ngày 30/05/2022 20:05 PM (GMT+7)
Trận mưa lớn khiến đường phố bị ngập sâu, hàng vạn con người chen nhau trên đường hàng giờ. Mà mới là đầu mùa mưa. Tắc đường, ngập lụt đã trở thành đặc sản của Thủ đô Hà Nội.
Bình luận 0

Chiều 29/5 mưa trắng trời, tôi mất hơn 2 giờ đồng hồ đi từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia về đường Phạm Văn Đồng. Quãng đường dài hơn 3km.

Đường vành đai 3 trên cao, phương tiện di chuyển từng mét một. Còn đường Phạm Hùng phía dưới, nhiều đồng nghiệp của tôi cho biết "phải đứng im tại chỗ".

Một đồng nghiệp dành hơn 3 giờ đồng hồ di chuyển qua khu vực Phạm Hùng – Dương Đình Nghệ cho đoạn đường chưa đến 1km. Từ 4 giờ chiều cho đến hơn 7 giờ tối, anh đồng nghiệp kể.

ngâp lụt.jpeg

Trận mưa lớn ngày 29/5 khiến đường phố bị ngập sâu, hàng vạn con người chen nhau trên đường hàng giờ.

Chúng tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người dắt xe máy bì bõm lội nước, hay bó tay với xe ô tô bị chết máy, phải gọi cứu hộ. Hình ảnh chủ xe sang Mercedes đứng trên nắp xe giữa biển nước mênh mông đã "nổi lềnh phền", "sáng nhất mạng xã hội" từ chiều qua. Hàng vạn người dân Hà Nội tiếp tục chịu cảnh tắc đường cho đến tối muộn.

Ngay từ khi mưa lớn bắt đầu, trên mạng xã hội đã có những dòng cảnh báo "Giải bơi lội Thủ đô mở rộng sắp bắt đầu". Trước đó, cơ quan khí tượng cũng cảnh báo về thời tiết có thể mưa lớn trong những ngày từ 29 – 31/5. Hà Nội đã làm gì để ứng phó?

Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội – đơn vị đang vận hành khoảng 80% hệ thống thoát nước của TP Hà Nội, khi trời mưa Công ty đã huy động tối đa lực lượng gần 2000 công nhân viên. Cùng với đó là vận hành các trạm bơm, hồ điều hòa.

ngập lụt.jpg

Trận mưa chiều qua đúng là hiếm thấy. Lượng mưa trong 2 giờ đồng hồ (từ 14 – 16 giờ) chiều 29/5 là 138mm vượt qua mốc mưa tích lũy trong 2 giờ mưa vào ngày 18/6/1986 là 132,5mm.

"Nhưng mưa quá lớn vượt quá công suất chịu tải của hệ thống thoát nước" – Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thông tin trên báo chí. Thậm chí, người ta còn cho rằng hậu quả ngập úng chiều qua là "thiên tai". Nếu chỉ nói vậy thì dễ quá. Còn trách nhiệm của cơ quan chức trách, của việc quy hoạch quản lý ở đâu?

Trận mưa chiều qua đúng là hiếm thấy. Lượng mưa trong 2 giờ đồng hồ từ 14 – 16 giờ chiều 29/5 là 138mm vượt qua mốc mưa tích lũy trong 2 giờ mưa vào ngày 18/6/1986 là 132,5mm.

Năng lực tiêu thoát hiện nay chịu được lượng mưa 310 mm trong 2 ngày. Lượng mưa chiều qua đã khiến thành phố có 35 điểm ngập úng trải rộng trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm.

Nhưng Thủ đô của chúng ta, không phải đợi đến mưa lịch sử như chiều qua mới ngập. Cứ mưa lớn, Hà Nội sẽ ngập. Thậm chí, các điểm ngập đều được dự báo trước khi có mưa và dự báo đều "rất đúng và trúng". 

Chung cư, khu đô thị mọc lên như như nấm sau mưa quanh thành phố còn hạ tầng tiêu thoát nước cả thành phố bao năm qua vẫn trông chờ vào chục trạm bơm chính.

Hiện nay, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội gồm 5.700 km cống, 254 km mương, sông, kênh, 125 hồ điều hòa, 10 trạm bơm thoát nước mưa chính và 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải.

Hệ thống này được chia thành 5 khu vực gồm: Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông và Long Biên. Nhưng thực tế, chỉ có khu vực sông Tô Lịch được đầu tư hoàn chỉnh. Khu vực sông Nhuệ chủ yếu phục vụ thủy lợi, dòng chảy tự nhiên.

Các khu vực trạm bơm tiêu khác như Liên Mạc, Yên Nghĩa, Gia Thượng, Cự Khối,… vì sao cũng không "chia nước" được cho khu vực nội thành?

Cuối năm 2021 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó, thành phố định hướng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực các quận: Hà Đông, Long Biên và khu vực phía Tây, nhằm giải quyết tình trạng úng ngập do mưa.  

Dự kiến hơn 53 nghìn tỷ đồng sẽ dành để triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải đô thị.

Tiêu hết 53 nghìn tỷ đồng, nước mưa ở Hà Nội có tiêu thoát kịp thời? Nước không thoát được, trách nhiệm của các cơ quan liên quan có "thoát"? Câu hỏi này vẫn phải chờ tương lai mới có đáp án.

Năm này qua năm khác, các dự án, kế hoạch chống ngập lụt vẫn được đề ra, được công bố, mà tình hình dường như thụt lùi. Chẳng nhẽ lại đổ cho Covid-19 làm mọi thứ đình trệ?

Có bộ trưởng trả lời bên hành lang Quốc hội, rằng ngoài mưa lớn dị thường, "vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn là hai nguy cơ như nhau". Cũng đã nhiều quan chức lên tiếng, rằng để khắc phục Hà Nội cần thế nọ, phải thế kia... Những giải pháp các bộ trưởng đưa ra thì nhiều, nhưng ai làm, làm từ đâu, làm mãi sao không được? Đôi khi có cảm giác các bộ trưởng nói như việc ở đâu đó, của ai đó...

Còn hiện giờ, người dân có lẽ cần nhận được cảnh báo không nên ra đường khi có dự báo mưa lớn ở Thủ đô.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem