130 quốc gia ủng hộ cải cách thuế toàn cầu, riêng 1 quốc gia châu Âu cân nhắc
Đề xuất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (gọi tắt là GMT) của Mỹ đã thu hút được sự ủng hộ của hơn 130 quốc gia. Nhưng một số quốc gia như Estonia có lý do để cân nhắc việc ủng hộ hay không cải cách thuế toàn cầu đầy tham vọng này.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% áp dụng rộng rãi trên toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng các công ty đa quốc gia tìm cách trốn thuế bằng việc đặt trụ sở ở các “thiên đường thuế” dù bộ máy quản lý và hoạt động kinh doanh đều không nằm ở đó.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 1/7 tuyên bố có tới 130 quốc gia trên toàn cầu đã đồng thuận ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu mà Mỹ đề xuất.
“Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã tham gia vào một cuộc cạnh tranh thuế toàn cầu các bên cùng thất bại. Chúng tôi phải hạ mức thuế doanh nghiệp khi các quốc gia khác hạ thuế. Kết quả là một cuộc đua thuế toàn cầu cùng đi xuống đáy. Rồi trong tương lai, quốc gia nào có thể tiếp tục giảm thuế doanh nghiệp? Không một quốc gia nào là người chiến thắng trong cuộc đua này” - bà Janet Yellen nhấn mạnh. “Thỏa thuận hôm nay của 130 quốc gia trên thế giới đại diện cho một khu vực chiếm hơn 90% GDP toàn cầu là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc đua thuế xuống đáy sắp đến hồi kết thúc” - Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói thêm.
Giờ đây với khuôn khổ thuế GMT, thay vì áp thuế kỹ thuật số, các quốc gia sẽ đồng thuận với một kế hoạch thuế mới để đánh thuế ở những nơi mà các công ty đa quốc gia đang thực sự kinh doanh thay vì ở nơi họ đặt trụ sở.
Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng lập tức ủng hộ đề xuất thuế này. Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid mới đây giải thích lý do vì sao nước này cân nhắc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%, dù rằng thuế suất thu nhập doanh nghiệp hiện đang được áp dụng ở Estonia cao hơn hẳn, lên đến 20%. “Hiện tại, không có công ty nào ở Estonia thực sự tuân theo quy định mới được đề xuất này” - bà Kersti Kaljulaid cho hay. “Chúng tôi đang thảo luận vấn đề từ góc độ lý thuyết. Chúng tôi không lấy đi bất kỳ đồng thuế nào từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.
Tổng thống Kersti Kaljulaid cũng nhấn mạnh Estonia cực kỳ minh bạch trong vấn đề thuế và không phải là thiên đường thuế được các doanh nghiệp đa quốc gia hướng đến trong nỗ lực tìm cách giảm tiền thuế phải nộp.
“Bởi vì chúng tôi chưa rõ thỏa thuận thuế về mặt kỹ thuật sẽ ra sao, được áp dụng như thế nào, nên chúng tôi chưa thể đưa ra ý kiến ủng hộ. Các cuộc thảo luận không thể được xúc tiến vội vàng. Nhưng khi mọi thứ rõ ràng và chúng ta đi đến bước thảo luận về mặt kỹ thuật, tôi chắc rằng chúng ta có thể tìm ra tiếng nói chung để chứng minh với thế giới rằng hệ thống thuế của chúng ta thực sự tương thích với cải cách thuế toàn cầu mới được đề xuất. Tôi rất lạc quan về điều này” - Tổng thống Estonia nói thêm.
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, và công ty tư vấn KPMG, có khoảng 15 quốc gia không áp thuế thu nhập doanh nghiệp chung. Trong số đó có các quốc đảo như Bermuda, Quần đảo Cayman và Quần đảo Virgin thuộc Anh được mệnh danh là thiên đường thuế. Chẳng hạn Ireland, nơi được mệnh danh là “ngôi nhà châu Âu” của những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Google, hiện chỉ áp dụng mức thuế doanh nghiệp 12,5%.
Phát biểu vào tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe từng cho rằng các quốc gia nhỏ hơn nên được phép áp dụng mức thuế doanh nghiệp thấp hơn để đạt được lợi thế thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, do họ không có năng lực cạnh tranh về quy mô so với các nền kinh tế lớn hơn.