Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ông Biden đề xuất sẽ sớm được G20 thông qua

10/07/2021 10:04 GMT+7
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz hôm 9/7 tiết lộ một thỏa thuận về cải cách thuế toàn cầu sẽ sớm được hoàn tất với kỳ vọng chính thức có hiệu lực từ năm 2023.

“Hiện tại, chúng tôi đang tiến trên con đường đạt được một thỏa thuận. Chúng tôi sẽ đạt thỏa thuận tại G20 khi 20 quốc gia cùng đồng thuận về ý tưởng áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Quá trình này dự kiến sẽ sớm kết thúc” - Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho hay.

Cải cách thuế toàn cầu liên quan đến mức thuế doanh nghiệp tối thiểu dự kiến sẽ được thảo luận tại G20 vào cuối tuần này khi các Bộ trưởng Tài chính và các nhà lãnh đạo Ngân hàng Trung ương 20 nền kinh tế tiên tiến nhất hành tinh tụ họp ở Venice, Ý trong Hội nghị thượng đỉnh G20. Mục đích thống nhất là thông qua một thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu áp dụng với các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất hành tinh.

“Thỏa thuận hôm nay của 130 quốc gia trên thế giới đại diện cho một khu vực chiếm hơn 90% GDP toàn cầu là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc đua thuế xuống đáy sắp đến hồi kết thúc” - Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói thêm.

Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ông Biden đề xuất sẽ sớm được G20 thông qua - Ảnh 1.

Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ông Biden đề xuất sẽ sớm được thông qua tại G20 (Ảnh: Reuters)

Một khi thỏa thuận được thông qua, các tập đoàn đa quốc gia có khả năng buộc phải trả mức thuế tối thiểu 15% ở bất kỳ nơi nào họ có hoạt động, thay vì chỉ đóng thuế tại quốc gia đặt trụ sở chính như trước đây. Luật thuế không thống nhất trước đây đã tạo điều kiện cho các công ty này chuyển trụ sở chính sang những thiên đường thuế trên thế giới để chỉ phải đóng mức thuế doanh nghiệp rất thấp.

Bà Nadia Calvino, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha nhận định: “Chính quyền mới của Mỹ đã thúc đẩy đột phá lớn trong lĩnh vực cải cách thuế toàn cầu. Tôi thực sự tin tưởng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận cần thiết vào thời điểm này tại Venice”.

Wopke Hoekstra, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan cũng tỏ ra lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào cuối tuần. “Những tín hiệu từ các quan chức đồng cấp mà tôi thấy được là khá tích cực. Do đó, rất có thể chúng tôi sẽ đạt được những tiến bộ lớn hơn”.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố có tới 130 quốc gia trên toàn cầu đã đồng thuận ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu (GMT) mà Mỹ đề xuất.

“Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã tham gia vào một cuộc cạnh tranh thuế toàn cầu các bên cùng thất bại. Chúng tôi phải hạ mức thuế doanh nghiệp khi các quốc gia khác hạ thuế. Kết quả là một cuộc đua thuế toàn cầu cùng đi xuống đáy. Rồi trong tương lai, quốc gia nào có thể tiếp tục giảm thuế doanh nghiệp? Không một quốc gia nào là người chiến thắng trong cuộc đua này” - bà Janet Yellen nhấn mạnh trong tuyên bố hôm 1/7.

Đối với chính quyền Biden, kế hoạch thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu thể hiện một bước đi mới hướng tới mục tiêu đảm bảo công bằng cho tầng lớp trung lưu. Thông qua chiến lược này, ông Biden tham vọng rằng quá trình toàn cầu hóa và hoạt động thương mại mang lại lợi ích cho những người lao động Mỹ đang làm việc chứ không chỉ cho các tỷ phú hay các tập đoàn đa quốc gia.

Đối với phần còn lại của thế giới, kế hoạch thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhằm chấm dứt cuộc đua giảm thuế khiến hàng loạt nước cắt giảm thuế doanh nghiệp nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia.

Tuy nhiên, vẫn còn một số quốc gia tỏ ra hoài nghi về thỏa thuận thuế toàn cầu, đặc biệt là Ireland và Hungary, hai quốc gia từ lâu đã duy trì mức thuế doanh nghiệp tương đối thấp. Cụ thể, Ireland hiện chỉ áp dụng mức thuế doanh nghiệp 12,5% và Hungary là 9%.


NTTD
Cùng chuyên mục