60% các công ty có nguy cơ phải chịu thuế doanh nghiệp toàn cầu nằm ở Mỹ và Trung Quốc

04/07/2021 16:36 GMT+7
Nghiên cứu mới đây của Nikkei Asian Review chỉ ra rằng các công ty từ Trung Quốc và Mỹ chiếm tới khoảng 60% trong số các tập đoàn đa quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng bởi mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu mà chính quyền ông Biden đề xuất gần đây.

Cụ thể, nghiên cứu của Nikkei dựa trên dữ liệu thu nhập từ QUICK FactSet đã tổng hợp được ít nhất 81 công ty đáp ứng ngưỡng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận đề ra trong Sáng kiến thuế doanh nghiệp toàn cầu mà ít nhất 130 quốc gia đã ủng hộ cho đến nay.

Trong số 81 công ty, có 11 công ty có trụ sở tại Trung Quốc, bao gồm các gã khổng lồ công nghệ như Tencent Holdings hay Alibaba Group Holdings, nhà phát triển bất động sản Longfor Group Holdings.... 35 công ty khác có trụ sở tại Mỹ bao gồm Facebook, Philip Morris International và Microsoft…

Sáu công ty Nhật Bản lọt vào danh sách vao gồm Telecoms KDDI, SoftBank Corp. và NTT, cũng như Sony Group, Takeda Pharmaceutical và Toyota Motor.

60% các công ty có nguy cơ phải chịu thuế doanh nghiệp toàn cầu nằm ở Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 1.

60% các công ty có nguy cơ phải chịu thuế doanh nghiệp toàn cầu nằm ở Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Sáng kiến thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vừa được 130 quốc gia và vùng lãnh thổ ủng hộ trong thỏa thuận thuế sơ bộ gần đây sẽ áp dụng với những tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trên 20 tỷ Euro (23,7 tỷ USD) với tỷ suất lợi nhuận cao nhất 10%.  Các ngân hàng, nhà cung cấp bảo hiểm và các công ty tài nguyên sẽ được miễn trừ. Phạm vi áp thuế có thể thay đổi hoặc bổ sung cho đến khi thỏa thuận thuế cuối cùng được thông qua vào tháng 10 tới đây. 

Ban đầu, các nhà phân tích dự kiến có khoảng 100 tập đoàn lớn nhất thế giới sẽ phải nộp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Nhưng do tác động của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, tờ Nikkei nhận thấy một số ít công ty chưa đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 1/7 tuyên bố có tới 130 quốc gia trên toàn cầu đã đồng thuận ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu (GMT) mà Mỹ đề xuất.

“Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã tham gia vào một cuộc cạnh tranh thuế toàn cầu các bên cùng thất bại. Chúng tôi phải hạ mức thuế doanh nghiệp khi các quốc gia khác hạ thuế. Kết quả là một cuộc đua thuế toàn cầu cùng đi xuống đáy. Rồi trong tương lai, quốc gia nào có thể tiếp tục giảm thuế doanh nghiệp? Không một quốc gia nào là người chiến thắng trong cuộc đua này” - bà Janet Yellen nhấn mạnh trong tuyên bố cùng ngày.

Kế hoạch thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhằm mục đích khắc phục lỗ hổng thuế khi các nhà chức trách không thể đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ với mức thuế tương xứng với lợi nhuận mà các tập đoàn này tạo ra. Phân tích của Nikkei cho thấy các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Alphabet - công ty mẹ Google, Apple, Facebook và Amazon đã gánh chịu gánh nặng thuế trung bình là 15,4% từ năm 2018 đến năm 2020. Mức thuế này thấp hơn gần 10% so với mức thuế doanh nghiệp trung bình toàn cầu là 25,1%.

Năm ngoái, Pháp là một trong những quốc gia tiên phong kêu gọi áp dụng thuế kỹ thuật số của riêng họ với các gã khổng lồ công nghệ. Điều này đã thúc đẩy việc xây dựng một khuôn khổ thuế thống nhất cho các doanh nghiệp toàn cầu. Giờ đây với sáng kiến thuế toàn cầu, thay vì áp thuế kỹ thuật số, các quốc gia sẽ đồng thuận với một kế hoạch thuế mới để đánh thuế ở những nơi mà các công ty đa quốc gia đang thực sự kinh doanh thay vì ở nơi họ đặt trụ sở.

Mức thuế doanh nghiệp tối thiểu theo Mỹ đề xuất hiện là 15%. Nếu được ban hành rộng rãi, thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt hiện trạng các tập đoàn đa quốc gia tìm đặt trụ sở tại những thiên đường thuế như Ireland để được hưởng mức thuế tương đối thấp dù mọi hoạt động, công tác điều hành và khách hàng đề nằm ở khu vực khác.

Trong trường hợp thỏa thuận thuế cuối cùng được thông qua vào tháng 10, sáng kiến thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2023.


NTTD
Cùng chuyên mục