3 luật có hiệu lực, chuyên gia kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ được "gỡ khó"?

01/08/2024 10:13 GMT+7
Khi 3 luật có hiệu lực sớm, giới chuyên gia kỳ vọng khó khăn pháp lý - vốn dĩ được cho là chiếm 70% khó khăn hiện nay của thị trường - được gỡ vướng, tạo điều kiện để giải quyết câu chuyện vướng mắc lâu nay, khơi thông dòng chảy của thị trường bất động sản.

Thủ tục pháp lý là "nút thắt" khiến loạt bất động sản "đắp chiếu"?

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết, có khoảng 1.200 dự án với giá trị khoảng 30 tỷ USD gặp vướng mắc, chủ yếu là về vấn đề pháp lý. Xét trong năm 2023, khoảng 500 dự án đã được Tổ công tác vào cuộc xử lý, tuy nhiên, vẫn còn lại khoảng gần 800 dự án đang chờ. Kể từ năm 2018 đến nay, số lượng dự án nhà ở mới được phê duyệt ngày càng bị hạn chế.

Giới chuyên môn đánh giá, thủ tục pháp lý được coi là "nút thắt" khiến hàng loạt dự án bất động sản, nhà ở chậm triển khai, "đắp chiếu" nhiều năm. Đồng thời, "nút thắt" này cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở khan hiếm và làm giá chung cư tăng cao trong thời gian qua.

3 luật có hiệu lực, chuyên gia kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ được "gỡ khó"?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội thừa nhận, thị trường gặp nhiều khó khăn về mặt cơ chế chính sách chẳng hạn như giao đất, đấu thầu, đấu giá. 

Ông Điệp dẫn ví dụ, tại Hà Nội, có khoảng 300 dự án vướng mắc không phát triển được. Các nhà chiến lược đã vạch ra kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất nhưng vướng về cơ chế nên không đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến hệ quả giá nhà cao, nhiều người không có nhà để ở.

Không chỉ vậy, khó khăn về vốn, thanh khoản cũng khiến thị trường bất động sản gần như "đóng băng", đặc biệt sau khủng hoảng về trái phiếu doanh nghiệp xuất phát từ Tân Hoàng Minh và nhiều doanh nghiệp bất động khác. Thực tế cho thấy, sau khi việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản, nhiều dự án dừng triển khai, chậm tiến độ.

Dự án không thể triển khai khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc duy trì và tái đầu tư nguồn vốn. Áp lực nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc phải tự xoay xở và tìm đến nhiều kênh huy động vốn. Mặc dù vậy, áp lực đáo hạn trái phiếu trước mắt là gánh nặng lớn của các doanh nghiệp bất động sản.

Bất động sản là ngành duy nhất có số doanh nghiệp thành lập mới đi lùi trong năm 2023. Bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc phá sản.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam lý giải, việc này đến do một số doanh nghiệp tính toán để phát triển thật nhanh cho nên dùng các đòn bẩy tài chính rất lớn nên đã phải phát hành trái phiếu và các doanh nghiệp đối mặt với hạn trả nợ.

"Đây là gánh nặng rất lớn. Cho nên từ chỗ đến hạn thanh toán trả nợ trái phiếu mà không trả nợ được thì tất nhiên không thể vay được cái mới. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản vướng mắc về thu xếp tài chính", ông Hiệp cho biết.

3 luật có hiệu lực, cơ hội nào cho thị trường bất động sản?

Để kích hoạt lại thi trường bất động sản, Chính phủ quyết liệt đẩy nhanh việc ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành 3 bộ luật sớm đi vào đời sống. Trong đó, 2/5 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã ban hành. 3 Nghị định còn lại cùng với 5 Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ đồng bộ có hiệu lực từ 1/8 cùng với 3 luật.

Theo đó, từ hôm nay (1/8), Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động chính thức có hiệu lực. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, 3 Luật sẽ giải quyết được những khó khăn về định giá đất, "tắc" thanh khoản và hàng loạt thách thức mà thị trường đang đối mặt.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết: "Từ Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương cho đến các luật được thông qua đã có sự đổi mới về nội dung, tính đồng bộ. Chúng tôi kỳ vọng từ đó sẽ tháo gỡ được khó khăn lớn nhất hiện nay là về pháp lý. Từ đó, mọi thứ sẽ chạy, dự án sẽ có khiến nguồn cung tăng lên để tự điều chỉnh phân khúc thị trường để làm sao kim tự tháp nhà ở trở lại bền vững".

Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc đầu tư Công ty DKRA Group nói thêm, về trung và dài hạn, các luật này sẽ giúp cho thị trường minh bạch hơn, bảo vệ nhà đầu tư, và giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Tôi cho rằng, điểm rơi có thể sẽ vào khoảng cuối năm 2025 và đạt được đỉnh vào năm 2026. Khi đó, những tín hiệu hồi phục sẽ rõ nét hơn, và chúng ta có thể đón đầu một chu kỳ phát triển mới.


Linh Anh
Cùng chuyên mục