31 doanh nghiệp được hưởng thuế chống bán phá giá 0% khi xuất khẩu tôm sang Mỹ

22/08/2019 17:08 GMT+7
Đó là kết luận cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) đối với biện pháp chống bán phá giá tôm Việt Nam.

Đây là tin vui chung cho ngành tôm Việt tạo động lực tốt để các doanh nghiệp tôm Việt tiếp tục kinh doanh.

Trưa 21/8 theo giờ Mỹ, tức rạng sáng ngày 22/8 giờ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố kết luận cuối cùng đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt Nam trong đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13).

Theo đó, mức thuế của 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) và Công ty Nha Trang Sea Food sẽ được hưởng mức thuế 0%. 29 doanh nghiệp còn lại cũng được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0% khi xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ.

29 doanh nghiệp có tên trong danh sách hưởng thuế chống bán phá giá 0% bao gồm: Công ty Thủy sản Bạc Liêu, Công ty CP XNK Lâm Thủy Sản Bến Tre, Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản CADOVIMEX, Công ty Cổ phần Camimex Group, Công Ty CP Chế Biến Và Dịch Vụ Thủy Sản Cà Mau, Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ, Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long…

Danh sách 31 công ty hưởng thuế chống bán phá giá 0% khi xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ.

Nhận xét về mức thuế được DOC công bố trong đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13), ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, đây là tin vui chung cho ngành tôm Việt, là động lực tốt để các doanh nghiệp tôm Việt tiếp tục kinh doanh. Mức thuế về 0% cũng là cơ hội để cải thiện cơ cấu thị trường tôm Việt. Ông Lực cũng kì vọng, chắc chắn sắp tới tôm bán vào Mỹ sẽ có tăng trưởng.

Với mức thuế chống bán phá giá dành cho tôm Việt Nam là 0% được DOC công bố chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt việc cung cấp hồ sơ, số liệu chứng minh tôm Việt Nam không bán phá giá, thỏa mãn yêu cầu của DOC.  

31 doanh nghiệp nêu trên khi xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ sẽ có lợi trong việc thu lại tiền đặt cọc ở Hải quan Mỹ bằng 4,58% giá trị hàng xuất khẩu.

Ở POR 14, các doanh nghiệp tôm duy trì mức thuế này do đã thỏa thuận với bên nguyên đơn từ trước và sẽ tiếp tục thu lại tiền đặt cọc giống như trên, trở thành nguồn lợi nhuận. Ở POR 15 về sau (cho niên độ bán hàng từ năm 2019 trở về sau), các doanh nghiệp tôm Việt có thể sử dụng nguồn lợi thế này tiếp tục thỏa thuận với nguyên đơn để tạo ổn định trong kinh doanh tôm với thị trường Mỹ.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 7/2019, lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt tăng trưởng dương. Riêng tháng 7/2019, xuất khẩu tôm đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Đối với thị trường Mỹ, chỉ tính riêng tháng 7/ 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng trưởng dương, đạt mức hai con số. Cụ thể, trong tháng 7 năm nay tăng 37,2% đạt 77 triệu USD.

Tính trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 327,4 triệu USD, tăng 5%. Theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang ấm dần lên do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính vì vậy, việc DOC công bố tôm Việt Nam đạt mức thuế 0% trong kết quả cuối cùng của đợt POR 13 là tín hiệu tích cực, giúp toàn ngành xuất khẩu tôm tăng trưởng trở lại. 

Thu Trà
Tags:
Cùng chuyên mục