4 đối tác rút khỏi Hiệp hội Libra, dự án tiền kỹ thuật số của Facebook nguy cơ thất bại
Cách đây một tuần, PayPal cũng tuyên bố rời Hiệp hội Libra. Giờ đây, nối gót PayPal, hàng loạt đại gia như Mastercard, Visa, eBay, Stripe cũng xác nhận rời khỏi dự án. Như vậy, trong số 28 thành viên Hiệp hội Libra chịu trách nhiệm quản lý và kiểm soát hoạt động của tiền kỹ thuật số Libra, đã có 5 thành viên “dứt áo ra đi” sau hàng loạt cảnh báo, quan ngại của các nhà quản lý tài chính toàn cầu.
Ba ngày trước khi có thông báo chính thức, 2 thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đã gửi thư cho Visa, Mastercard và Stripe yêu cầu họ cảnh giác với Libra - một dự án có nguy cơ thúc đẩy và tạo điều kiện cho các hoạt động của tội phạm trên toàn cầu.
“Nếu các bạn tiếp tục dự án này, nhiều khả năng các bạn sẽ phải đối mặt với quy trình giám sát nghiêm ngặt của các nhà quản lý, không chỉ với các hoạt động thanh toán liên quan đến đồng Libra mà với tất cả hoạt động của Doanh nghiệp” - trích thông điệp mà Thượng nghị sĩ Sherrod Brown và Thượng nghị sĩ Brian Schatz gửi đến 3 công ty thanh toán kể trên. Hôm 11/10, sau thông tin cả Visa, Mastercard và Stripe đều tuyên bố rời khỏi Hội đồng Libra, ông Brown đã gọi đây là một hành động “khôn ngoan”.
Sự ra đi của 5 đối tác quan trọng khiến cho nội bộ Hiệp hội Libra giờ đây không còn bất cứ công ty thanh toán nào. Điều đó phản ánh sự thiếu tin tưởng của các tổ chức tài chính toàn cầu với đồng Libra của Facebook cũng như các rủi ro tiềm ẩn mà nó mang lại. Các thành viên còn trụ lại trong Hiệp hội Libra giờ đây chủ yếu là những nhà đầu tư mạo hiểm, công ty viễn thông, công ty công nghệ và blockchain, doanh nghiệp phi lợi nhuận...
Phát ngôn viên của Visa đã phát đi thông cáo: “Vào thời điểm này, Visa quyết định sẽ không tiếp tục tham gia vào Hiệp hội Libra. Chúng tôi sẽ tiếp tục quá trình đánh giá và đưa ra quyết định cuối cùng sau khi cân nhắc nhiều yếu tố liên quan, bao gồm những cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động của đồng tiền kỹ thuật số này”.
Bất chấp những thất bại liên tiếp, ông Dante Disparte, giám đốc phụ trách các vấn đề chính sách và truyền thông của tiền Libra vẫn tuyên bố sẽ thúc đẩy các kế hoạch tái cơ cấu và điều chỉnh nội bộ Hiệp hội Libra trong 3 ngày tới đây. “Chúng tôi sẽ tiến lên phía trước và tiếp tục xây dựng một Hiệp hội Libra mạnh mẽ với sự tham gia của những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các tổ chức xã hội phi lợi nhuận và các bên liên quan.”
“Mặc dù cơ cấu thành viên Hiệp hội có thể thay đổi hoặc phát triển theo thời gian, nhưng nguyên tắc quản trị, kiểm soát và đánh giá cùng tính chất mở của dự án để đảm bảo mạng lưới thanh toán của đồng Libra vẫn sẽ tồn tại bền vững” - ông Dante nhấn mạnh.
Hồi tháng 6/2019, Facebook đã công bố kế hoạch ra mắt đồng tiền kỹ thuật số mang tên Libra vào tháng 6/2020 với sự hỗ trợ của 28 đối tác khác nhau trong một tổ chức có tên là Hiệp hội Libra. Hiệp hội gồm hàng loạt những đại gia ngành dịch vụ tài chính, công ty đầu tư và công nghệ lớn, có nhiệm vụ giám sát và quản lý hoạt động của đồng Libra. Dự kiến, Libra sẽ được sử dụng làm đồng tiền thanh toán chung trên mạng lưới hơn 2 tỷ người dùng mạng xã hội của Facebook.
Cộng đồng người dùng tiềm năng rộng lớn này chính là nguyên nhân khiến các Chính phủ và tổ chức tài chính cảnh báo rủi ro rửa tiền, tiếp tay khủng bố và hàng loạt rủi ro an ninh quốc gia khác mà đồng Libra có thể mang đến. Đó là chưa kể, 2 tỷ người dùng MXH của Facebook chiếm tới hơn 25% dân số toàn cầu. Một khi Libra ra mắt, sức mạnh của cộng đồng này có thể sẽ biến Facebook thành kẻ chi phối hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu thay cho các Ngân hàng Trung Ương. Sức mạnh của các loại tiền tệ fiat có thể sẽ bị ảnh hưởng, còn đồng Libra thì trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu. Viễn cảnh đó rõ ràng khiến các nhà lập pháp phải dè chừng.
Pháp và Đức hiện là 2 quốc gia cam kết ngăn chặn đồng Libra hoạt động tại EU. Ngay trên chính đất Mỹ, Libra cũng bị Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đề nghị đình chỉ ra mắt cho đến khi nào cơ quan này khảo sát xong các rủi ro nghiêm trọng như rửa tiền, lũng đoạn tài chính và bảo mật người dùng mà loại tiền kỹ thuật số này gây ra.