Đồng Libra của Facebook bị chỉ trích dữ dội, PayPal tuyên bố “đào tẩu” khỏi dự án
"Tại thời điểm này, PayPal quyết định từ bỏ vai trò của mình Hiệp hội Libra, tiếp tục tập trung vào phát triển các lĩnh vực kinh doanh hiện tại." Tuy nhiên, phát ngôn viên của PayPal khẳng định vẫn ủng hộ dự bán của Facebook và sẽ tiếp tục hợp tác với gã khổng lồ mạng xã hội trong tương lai. David Marcus, người đứng đầu dự án Libra của Facebook, trước đây là chủ tịch của PayPal.
Phản ứng này được cho là bắt nguồn từ việc đồng Libra của Facebook suốt thời gian qua phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích, phản đối, bác bỏ từ các Chính phủ quốc tế.
Hồi tháng 6, Facebook chính thức tuyên bố ra mắt tiền điện tử Libra vào năm 2020 với tham vọng lớn lao sẽ trở thành đồng tiền thanh toán trực tuyến của khoảng 2 tỷ người dùng tham gia mạng lưới mạng xã hội của đế chế này. Không giống những loại tiền ảo như Bitcoin, Libra được so sánh với những đồng tiền pháp định như USD hay EUR, với giá trị được đảm bảo bởi hiện vật và hoạt động được giám sát bởi một tổ chức có tên "Hiệp hội Libra" gồm 28 đối tác thành viên của Facebook như PayPal, MasterCard, Visa, Uber…
Nhưng trái với kỳ vọng của Hiệp hội Libra, Facebook đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ liên quan đến đồng tiền kỹ thuật số này. Ngay tại quê nhà nước Mỹ, Libra bị Hạ viện Mỹ công kích khi cho rằng nó có nguy cơ mang đến những rủi ro an ninh quốc gia nghiêm trọng như quyền riêng tư bảo mật, hoạt động rửa tiền phi pháp, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng và sự ổn định cho thị trường tiền tệ.
Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, bà Maxine Waters hồi đầu tháng 7 đã thẳng thắn tuyên bố: "Nếu như các dịch vụ tương tự như tiền điện tử Libra không được quản lý và giám sát đầy đủ, điều đó có thể dẫn đến những rủi ro mang tính hệ thống cho sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu."
Tổng thống Donald Trump thậm chí còn gay gắt hơn khi chỉ trích đồng Libra là mối đe dọa mạnh mẽ với đồng USD và các loại tiền tệ fiat trên thị trường. Đây là điều có thể lường trước khi mà cộng đồng 2 tỷ người dùng (xấp xỉ 1/4 dân số thế giới) của Facebook nhiều khả năng sẽ đưa Libra trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Trong viễn cảnh đó, Facebook sẽ thay thế vai trò của các ngân hàng Trung Ương, trở thành "trùm" kiểm soát, điều khiển thị trường tiền tệ thế giới. Đó cũng là nguyên nhân khiến một số Chính phủ như Ấn Độ và Nhật Bản tỏ ra hoài nghi động lực của Facebook trong dự án tiền điện tử Libra.
Chủ tịch FED Jerome Powell sau đó đã phối hợp với nhiều ngân hàng Trung Ương quốc tế cũng như tổ chức tài chính uy tín của thế giới để thành lập một hội đồng giám sát và đánh giá những rủi ro với hệ thống tài chính toàn cầu một khi đồng Libra đi vào hoạt động. Ông Powell cũng khuyến cáo Facebook đình chỉ vô thời hạn việc ra mắt đồng Libra cho đến khi những rủi ro được đánh giá hoàn toàn.
Giữa cơn bão chỉ trích, Facebook đã cố làm dịu đi các mối quan ngại đồng Libra bằng cách đảm bảo với các Chính phủ rằng Facebook trong mọi trường hợp sẽ không có quyền kiểm soát đơn phương loại tiền tệ này. Quyền kiểm soát nằm trong tay Hiệp hội Libra gồm 28 thành viên, mà Facebook chỉ là một trong số đó. 28 thành viên sáng lập dự kiến sẽ đầu tư tối thiểu 10 triệu USD để tài trợ cho chi phí hoạt động của hiệp hội Libra trong những ngày đầu ra mắt, theo kế hoạch mà Facebook tuyên bố hồi tháng 6.
Nhưng việc PayPal công khai rút chân khỏi Hiệp hội Libra có thể là dấu hiệu đầu tiên cho những khủng hoảng và xáo trộn. Theo nguồn tin từ Tạp chí Phố Wall, một số đối tác lớn của Facebook nằm trong hiệp hội Libra như Visa, MasterCard cũng đang xem xét lại sự tham gia vào Hiệp hội Libra sau hàng loạt chỉ trích từ các tổ chức tài chính và quan chức Chính phủ.
Sylvia Garcia, một dân biểu thuộc Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 4/10 đã khẳng định sự "đào tẩu" của PayPal chắc chắn là dấu hiệu rõ ràng cho thấy những bất ổn trong nội bộ Hiệp hội Libra. Hạ viện đang tìm cách đưa giám đốc điều hành dự án Libra, COO Sheryl Sandberg điều trần trong tháng này. Nhưng không loại trừ khả năng chính CEO Facebook Mark Zuckerberg sẽ ra mặt.