6 chính sách mới về ô tô có hiệu lực từ năm 2021

29/12/2020 19:30 GMT+7
Từ ngày 1/1/2021, một loạt quy định mới liên quan tới ô tô sẽ chính thức có hiệu lực. Vì vậy, người dân cần lưu ý để thực hiện đúng cũng như đảm bảo quyền lợi cho mình.

1/ Học và thi bằng lái với phần mềm mô phỏng từ 01/01/2021

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được ghi nhận tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT. Theo đó, từ ngày 01/01/2021, tất cả các trung tâm sát hạch lái xe phải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo và sát hạch lái xe ô tô.

Thiết bị mô phỏng bao gồm: Hệ thống máy tính, phần mềm mô phỏng và cabin học lái ô tô sẽ được sử dụng cả trong đào tạo và sát hạch.

Như vậy, học viên sẽ phải học và thi thêm nội dung về kỹ thuật lái xe trên phần mềm mô phỏng và thực hành lái xe trên ca bin học lái xe ô tô.

Nếu đạt tất cả các nội dung thi bao gồm: Lý thuyết - Phần mêm mô phỏng các tình huống giao thông - Lái xe trong hình - Lái xe trên đường, học viên sẽ được công nhận trúng tuyển và cấp Bằng lái xe ô tô.

Có thể thấy, việc đào tạo và sát hạch lái xe sẽ được siết chặt hơn từ năm 2021 để trang bị cho người được cấp Bằng lái xe những kỹ năng cơ bản, từ đó góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

6 chính sách mới về ô tô có hiệu lực từ năm 2021 - Ảnh 1.

2/ Từ 10/01/2021, ô tô 4 chỗ không còn phải lắp bình chữa cháy

Ngày 24/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy. Theo đó, phương tiện giao thông cơ giới từ 04 chỗ ngồi trở lên đến 09 chỗ ngồi cần đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại Điều 8 Nghị định này:

- Đảm bảo điều kiện hoạt động đã được kiểm định;

- Vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 79/2014/NĐ-CP hiện đang có hiệu lực, phương tiện giao thông cơ giới từ 04 chỗ ngồi trở lên phải đáp ứng các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy như:

- Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động;

- Người điều khiển phương tiện phải được học tập kiến thức về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình đào tạo cấp giấy phép điều khiển phương tiện;

- Có phương tiện chữa cháy phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm của phương tiện, bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an…

Như vậy, từ ngày 10/01/2021 - ngày Nghị định này có hiệu lực, xe ô tô trên 04 chỗ không còn phải lắp bình chữa cháy trên xe. Đồng thời, nhiều điều kiện khác cũng được bãi bỏ.

3/ Áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới đối với ô tô kể từ 01/01/2021

Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới được thực hiện theo Quyết định số 16/2019/ QĐ-TTg ban hành ngày 28/3/2019 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.

Theo đó, tất cả xe ô tô được sản xuất trong giai đoạn từ năm 1999 - 2008 sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 02 từ ngày 10/01/2021.

Hiện nay, những xe ô tô thuộc nhóm này vẫn đang được áp dụng tiêu chuẩn khí thải ở mức thấp nhất trong 03 mức bộ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018 - mức 01.

Theo tiêu chuẩn khí thải mức 02 tại TCVN 6438:2018, giới hạn lớn nhất cho phép đối với ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức 3,5% (thể tích) chất CO, 800 HC (ppm thể tích); giới hạn lớn nhất đối với xe lắp động cơ do cháy nén là 60% HSU giới hạn độ khói.

Việc kiểm định khí thải xe ô tô được thực hiện khi xe ô tô đăng kiểm định kỳ. Do đó, từ ngày 10/01/2021, để được lưu hành, ô tô thuộc nhóm sản xuất từ 1999 - 2008 phải đảm bảo các tiêu chuẩn khí thải mức 02 nêu trên.

4/ Chấm dứt ưu đãi 50% lệ phí trước bạ từ 01/01/2021

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP.

Một trong những nội dung đáng chú ý được đông đảo người dân quan tâm, đó là việc Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Mức ưu đã này được áp dụng từ ngày 28/6/2020 - hết ngày 31/12/2020. Theo đó, khi mua xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước, người dân sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu. Và như vậy, người mua có thể tiết kiệm cho mình từ vài triệu đến vào trăm triệu tùy thuộc vào loại và hãng xe lựa chọn.

Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021 tới đây, chính sách này sẽ chính thức hết hiệu lực, lệ phí trước bạ sẽ lại áp dụng như quy định trước đây tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.

Đồng nghĩa với đó, người dân sẽ phải trả thêm một khoản tiền kha khá để được sở hữu chiếc ô tô mà mình yêu thích.

5/ Ô tô từ EU được giảm thêm thuế nhập khẩu trong năm 2021

Ngày 8/6/2020 Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được Quốc hội phê duyệt. Theo cam kết, nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ được giảm thuế ngay hoặc giảm theo lộ trình.

Cụ thể, mức thuế nhập khẩu ô tô từ EU vào Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục được giảm theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu của Hiệp định EVFTA được quy định cụ thể tại Nghị định số 111/2020/NĐ-CP.

Theo đó, năm 2021, các xe ô tô nhập khẩu từ các nước EU sẽ tiếp tục giảm thuế, mức giảm thuế nhập khẩu có thể lên đến 7,4% so với năm 2020, tùy thuộc vào loại xe.

Với quy định này, nhiều khả năng giá bán xe nhập khẩu từ EU trong năm 2021 sẽ giảm. Như vậy, người dân có thể dễ dàng sở hữu được chiếc xe mà mình yêu thích.

6/ Năm 2021, ô tô có thể được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt

Tại Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành ngày 06/8/2020, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô để khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước.

Theo đó, nhiều nội dung liên quan đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đang được lãnh đạo Chính phủ và Bộ ngành đề xuất triển khai với ngành ôtô.

Trong đó có đề xuất về điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô hay hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.

Nếu chính sách này được thông qua, chi phí cho việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ trở nên rẻ hơn, giá thành đến tay người tiêu dùng cũng sẽ giảm, kích thích tiêu dùng. Chính sách này không chỉ có lợi với doanh nghiệp mà người dân cũng gián tiếp được hưởng lợi về giá.


PV
Cùng chuyên mục