6,7 nghìn tỷ USD bốc hơi vì Covid-19

30/12/2020 10:21 GMT+7
Tờ Standard (Anh) mới đây trích dẫn một phân tích cho thấy đại dịch có thể đã thổi bay 6,7 nghìn tỷ USD, tương đương 5 nghìn tỷ bảng Anh khỏi nền kinh tế toàn cầu, chỉ tính riêng trong năm 2020.

Dự báo GDP toàn cầu 2020 cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới có nguy cơ giảm tốc 5,2%, tương đương mức thu hẹp từ 89,94 nghìn tỷ USD xuống 83,19 nghìn tỷ USD. Con số 6,7 nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi nền kinh tế tương đương với sản lượng kinh tế hàng năm của Đức và Pháp cộng lại.

Như vậy, đây là cuộc suy thoái sâu nhất trong lịch sử kinh tế thế giới toàn cầu kể từ Thế chiến II đến nay, với quy mô thiệt hại lớn gần gấp 3 lần cuộc suy thoái do khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nghiên cứu được thực hiện và biên soạn bởi nền tảng nghiên cứu trực tuyến IG. Theo đó, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh và các nước EU chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, với mức tăng trưởng giảm tốc bình quân 7% trong năm nay. Các nền kinh tế mới nổi dự kiến giảm tốc bình quân 2,5%.

IG cũng ước tính 92% quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái, tỷ lệ suy thoái cao nhất kể từ sau đại dịch đậu mùa toàn cầu năm 1870 và cao chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại. Phân tích cho thấy hơn 346 tỷ giờ làm việc đã bị mất trên toàn thế giới, chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2020. Con số này tương đương với 555 triệu việc làm toàn thời gian của thế giới.

Trên thị trường chứng khoán, cuộc khủng hoảng đại dịch cũng tác động làm sụt giảm nghiêm trọng tất cả các chỉ số chính trên toàn cầu. Chỉ số S&P 500, một trong những chỉ số tiêu chuẩn mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ, đã trải qua một đợt lao dốc tồi tệ bậc nhất trong 100 ngày đầu tiên đại dịch bùng phát ở Mỹ. Mức giảm này cũng vượt qua cả sự sụp đổ trên sàn chứng khoán trong ngày thứ Hai đen tối và cuộc Đại suy thoái 2007-2008. Các chỉ số chứng khoán lớn ở nhiều thị trường khác như FTSE100, Germany 30 và HS50 cũng trải qua những đợt suy giảm kỷ lục tương tự.

6,7 nghìn tỷ USD bốc hơi vì Covid-19 - Ảnh 2.

So sánh mức sụt giảm của chỉ số chứng khoán S&P 500 tại cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 với các lần suy thoái khác trong thế kỷ qua

Các nhà kinh tế hàng đầu trên toàn cầu cũng cảnh báo nhiều thách thức lớn khi thế giới bắt đầu phục hồi trở lại sau đại dịch. Tiến sĩ Gerard Lyons, chiến lược gia kinh tế trưởng tại Netwealth cảnh báo: “Nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi. Sản lượng kinh tế dẫn đầu sự phục hồi đó. Nhưng vấn đề lớn nhất nằm ở thị trường việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp có lẽ sẽ không thể quay về mức trước khủng hoảng đại dịch trong vài năm tới”.

Steve Hanke, giáo sư kinh tế ứng dụng tại Đại học John Hopkins (Baltimore) cho biết ông dự báo kinh tế toàn cầu có thể phục hồi theo mô hình chữ V khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, dỡ bỏ các lệnh phong tỏa. Nhưng ông Steve cho rằng thế giới khó phục hồi trở lại mức tăng trưởng GDP trước đại dịch, ít nhất cho đến cuối năm 2022. “Tình hình kinh tế đang tốt lên nhanh chóng, nhưng không loại trừ nguy cơ có thể xảy ra. Thiệt hại cho đến nay là rất lớn. Tất cả những gián đoạn cung ứng toàn cầu khó có thể gắn kết nhịp nhàng trở lại (như mức trước đại dịch). Chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức”.


NTTD
Cùng chuyên mục