8 phương án mở rộng sân bay Nội Bài

26/11/2019 14:03 GMT+7
Tư vấn Pháp ADPi vừa hoàn thiện 8 phương án với 3 nhóm cấu hình đường cất/hạ cánh để nâng cấp, mở rộng sân bay Nội Bài, nhằm đảm bảo đón 100 triệu khách/năm.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, Công ty Tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay ADPi của Pháp đang nghiên cứu phương án mở rộng và lập quy hoạch chi tiết sân bay Nội Bài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công suất của cảng dự kiến đạt từ 80 - 100 triệu khách/năm, phần lớn số tiền lập quy hoạch này do Chính phủ Pháp viện trợ.

8 phương án mở rộng sân bay Nội Bài - Ảnh 1.

Quy mô công suất sân bay Nội Bài đảm bảo phục vụ 100 triệu hành khách/năm.

Hiện ADPi đã hoàn thiện giai đoạn 1 là khảo sát, đánh giá hiện trạng và đưa ra số liệu. Giai đoạn 2 nghiên cứu các phương án cũng đã cơ bản được hoàn chỉnh. Theo ông Thắng, quan trọng không phải là sẽ phát triển nhà ga như thế nào mà là cấu hình đường cất hạ cánh ra sao, vì cấu hình này quyết định vị trí các hạ tầng khác, trong đó có nhà ga.

Tư vấn ADPi đã đề xuất 8 phương án mở rộng, nâng cấp sân bay Nội Bài, với 3 nhóm cấu hình đường cất hạ cánh chính bao gồm: nhóm thứ nhất là 3 đường cất hạ cánh độc lập; nhóm thứ hai là 1 đường độc lập và 2 đường cất hạ cánh phụ thuộc và nhóm thứ ba là 2 cặp đường cất hạ cánh song song phụ thuộc (tương tự sân bay Long Thành).

Hầu hết phương án đều đề xuất giữ nguyên nhà ga T2, phá dỡ nhà ga T1 và xây mới hai nhà ga hành khách ở phía Nam đường Võ Văn Kiệt.

ADPi là công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay của Pháp thuộc Aéroports de Paris Group (ADP). Công ty này quản lý và thiết kế các công trình phức hợp sân bay như nhà ga hành khách, tháp điều khiển, nhà ga để máy bay: Hangar, trung tâm bảo dưỡng máy bay... tại các sân bay ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul, Dubai, Jeddah...

Theo đại diện ADPi, trong giai đoạn đến năm 2030, khả thi nhất là xây dựng đường cất hạ cánh ở phía Nam sân bay Nội Bài. Về dài hạn, đến năm 2050, để đạt công suất 100 triệu khách/năm thì cần có thêm đường cất hạ cánh ở phía Bắc.

"Với sân bay Nội Bài, quan trọng nhất là việc xây dựng mới ảnh hưởng đến khu dân cư như thế nào, thu hồi đất ra sao. Những phương án đòi hỏi phải thu hồi đất rất lớn hoặc ảnh hưởng quá nhiều đến đất quốc phòng sẽ không được lựa chọn", đại diện ADPi nói.

Hôm qua 25/11, Văn phòng Chính phủ cho hay Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tư vấn ADPi (Pháp) tiếp tục hoàn thiện các phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài.

"Quy hoạch phải phù hợp với không gian phát triển vùng thủ đô, hạn chế thấp nhất diện tích đất bồi thường, khả năng phân kỳ đầu tư phù hợp với từng giai đoạn", Phó thủ tướng yêu cầu.

Từ năm 2015 đến nay, sản lượng hành khách, hàng hóa thông qua sân bay Nội Bài tăng nhanh, trung bình trên 10% mỗi năm, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng cảng. Công suất thiết kế của Nội Bài hiện tại chỉ là 25 triệu khách/năm, trong đó nhà ga T1 + sảnh E là 15 triệu, nhà ga quốc tế T2 10 triệu. Tuy nhiên, năm 2018, sân bay này đã đón gần 26 triệu lượt khách. Dự kiến năm 2019 sẽ đón khoảng 29 triệu lượt. Con số này dự kiến tăng đến 47,3 triệu khách vào năm 2025 và 63 triệu khách vào năm 2030.

Trước đó, năm 2016, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT phương án mở rộng sân bay Nội Bài. Theo đó, trường hợp xây dựng thêm đường cất hạ cánh ở phía nam, cách đường cất hạ cánh 1A 1.700 m, cách đường cất hạ cánh 1B 1.950 m, đảm bảo phương án 2 đường hoạt động song song độc lập là 1A với đường số 3 (hoặc 1B với đường số 3).

Theo phương án này, kinh phí giải phóng mặt bằng rất lớn, lên tới hơn 40.000 tỉ đồng.

O.Lý (t/h)
Cùng chuyên mục