ABBank: Sẽ dùng 1.142 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu để cấp tín dụng và đầu tư trái phiếu Chính phủ

23/09/2021 09:11 GMT+7
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa ban hành quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT) về phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán và bảo đảm tuân thủ các giới hạn sở hữu trong chào bán, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán, phát hành cổ phiếu của ABBank

Về phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán, phát hành cổ phiếu năm 2021, ABBank cho biết trên phương diện tổng thể, vốn thu được được sử dụng bổ sung vốn kinh doanh của ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu về vốn theo thông tư 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của NHNN về Hệ thống kiểm soát nội bộ cũng như đảm bảo xếp hạng tín nhiệm của cơ quan xếp hạng tín nhiệm độc lập.

Từ góc độ cơ quan quản lý, từ năm 2021 ngân hàng cần thực hiện ICAAP (quy trình đánh giá mức độ an toàn vốn nội bộ). Theo khung khổ ICAAP, ABBank cần bảo đảm có đủ vốn để thực hiện các kế hoạch kinh doanh trung hạn, nếu không ABBank cần có kế hoạch để bù đắp phần thiếu hụt. Như vậy, theo phương án kinh doanh của ABBank, ngân hàng cần thêm 940 tỷ đồng để mức độ đủ vốn của Ngân hàng.

Từ góc độ của cơ quan xếp hạng tín nhiệm độc lập, ABBank có thể cái thiện mức xếp hạng hiện tại, với kế hoạch kinh doanh dự kiến, tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 phải đạt tối thiểu là 10,4%, tương đương mức vốn tối thiểu cần là 11.117 tỷ đồng, khoảng thiếu hụt là 1.197 tỷ đồng.

Như vậy, với tổng số 1.256 tỷ đồng tăng thêm (từ việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu 1.142 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho CBNV 114 tỷ đồng), ưu tiên hàng đầu sẽ để đảm bảo yêu cầu về vốn đáp ứng các mục tiêu kinh doanh của ABBank.

ABBank: Dùng 1.142 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu để cấp tín dụng và đầu tư trái phiếu Chính phủ  - Ảnh 1.

Hệ số an toàn vốn tối thiểu của ABBank trước và sau khi tăng thêm 1.256 tỷ đồng. (Nguồn: ABB)

Để tối ưu hóa nguồn vốn này, ABBank dự kiến sử dụng để thực hiện cấp tín dụng và đầu tư trái phiếu chính phủ 1.142 tỷ đồng đến từ nguồn chào bán cho cổ đông hiện hữu.114 tỷ đồng từ nguồn ESOP sẽ dùng để đầu tư vào công nghệ theo định hướng chuyển đổi số của ngân hàng trong năm 2021, 2022.

ABBank: Dùng 1.142 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu để cấp tín dụng và đầu tư trái phiếu Chính phủ  - Ảnh 2.

Một số chỉ tiêu của ABBank sau khi tăng vốn. (Nguồn: ABB)

Hạn chế và kiểm soát tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại ABBank

Về bảo đảm tuân thủ các giới hạn sở hữu trong chào bán, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, ABBank cho biết do tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại ABBank đã đạt giới hạn tối đa căn cứ quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Nghị định 01/2014/NĐ – CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các tổ chức tín dụng Việt Nam, ABBank thực hiện các biện pháp hạn chế và kiểm soát bao gồm:

Thứ nhất, phân bổ quyền mua cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu là nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm tuân thủ theo đúng tỷ lệ phân bổ quyền tại Phương án chào bán, phát hành đã được ĐHĐCĐ, HĐQT thông qua và được Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Hai là, Nhà đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền mua từ các cổ đông khác, trừ trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng quyền mua cho nhau.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chưa là cổ đông nhận chuyển nhượng quyền mua để trở thành cổ đông của ABBank và trường hợp cổ đông nước ngoài thực hiện quyền mua phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện.

Ba là, không phân phối số cổ phiếu còn lại chưa chào bán hết (nếu có) cho đối tượng cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài nếu việc này dẫn tới vượt quyền hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP.

ABBank: Dùng 1.142 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu để cấp tín dụng và đầu tư trái phiếu Chính phủ  - Ảnh 4.

HĐQT ABBank thông qua các biện pháp bảo đảm tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan và hạn chế sở hữu chéo theo quy định của pháp luật. (Ảnh: ABB0

Cũng tại Quyết định này, HĐQT ABBank thông qua các biện pháp bảo đảm tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan và hạn chế sở hữu chéo theo quy định của pháp luật. 

Cụ thể, việc phân bổ quyền mua cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu bảo đảm tuân thủ đúng tỷ lệ phân phối tại Phương án chào bán, phát hành đã được ĐHĐCĐ, HĐQT thông qua và được Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.

Đồng thời, việc chuyển nhượng quyền mua của cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài và việc phân phối số cổ phiếu còn lại chưa chào bán hết (nếu có) phải bảo đảm không dẫn tới việc vi phạm giới hạn sở hữu.

Theo đó, cổ đông là cá nhân không sở hữu quá 5% vốn điều lệ của ABBank; cổ đông tổ chức không sở hữu quá 15% vốn điều lệ và cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu không quá 20% vốn điều lệ của ABBank.

Ngoài ra, cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn đó tại tổ chức tín dụng khác không được nhận chuyển nhượng quyền mua để mua thêm dẫn tới việc đồng sở hữu từ 5% vốn điều lệ của ABBank.

Cổ đông, nhà đầu tư dự kiến nhận chuyển nhượng quyền mua để mua cổ phần dẫn đến trở thành cổ đông lớn của ABBank và cổ đông lớn nhận chuyển nhượng quyền mua, thực hiện quyền mua phải đưuọc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.

Quyển mua không được phép chuyển nhượng cho công ty con của ABBank hoặc tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác mà ABBank đang sở hữu cổ phần vốn góp.

Trước đó, vào hồi tháng 7, ABBank đã nhận được công văn số 4963/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức chấp thuận đề nghị của ABBANK về việc tăng thêm 3.696 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ hiện tại để đạt mức vốn điều lệ gần 9.409,5 tỷ đồng trong năm nay.Theo đó, lộ trình tăng vốn điều lệ tại ABBank sẽ được chia thành hai đợt.

Đợt 1, phát hành 114.262.271 cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 20%; và phát hành 11.426.227 cổ phần tương đương 2% vốn điều lệ cho cán bộ nhân viên theo Chương trình ESOP (Employee Stock Ownership Plan).

Đợt 2, Ngân hàng sẽ tiến hành chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, nguồn sử dụng để phát hành cổ phiếu thưởng gồm 2.256.094.620.000 đồng được trích từ lợi nhuận chưa phân phối và 183.404.860.000 đồng trích từ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, theo đó số cổ phần thưởng phát hành là 243.949.948 cổ phần phổ thông, tỷ lệ 35% trên số cổ phần sau tăng vốn đợt 1.

Theo lộ trình đưa ra trước đó, ABBank sẽ chào bán, phát hành cổ phiếu đợt 1 vào quý 2 và quý 3/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ABBank mới ban hành quyết định thông qua hồ sơ đăng ký chào bán. Ngân hàng chưa đề cập cụ thể về thời gian chào bán, phát hành cổ phiếu của đợt 1 này.



H.Anh
Cùng chuyên mục