ACB và SHB của bầu Hiển được gì khi "chuyển nhà" sang HOSE?
Ngân hàng TMCP Sài gòn – Hà Nội (mã SHB) của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) dự kiến tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 15/6 tới đây. Theo tờ trình gửi đến các cổ đông, SHB đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng và huy động vốn lần lượt là 15% và 16%. Quy mô tổng tài sản tăng 11,8% lên 408.448 tỷ đồng. Thị phần cấp tín dụng năm 2020 xếp thứ 3 trong hệ thống NHTMCP tư nhân (không tính nhóm Big 4 ngân hàng có vốn Nhà nước) với 306.122 tỷ đồng dư nợ.
Lợi nhuận trước thuế năm 2020 phấn đấu đạt 3.268 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 7,99%. Trước đó, trong năm 2019, Lợi nhuận trước thuế đạt 3.026 tỷ đồng, tăng 44,5% so với năm 2018 nhưng cũng chỉ mới hoàn thành 99% kế hoạch đề ra. Kế hoạch kinh doanh năm 2020 trong bối cảnh kinh tế mới được đặt ra thận trọng hơn đáng kể. Chi thù lao HĐQT và Ban kiểm soát năm 2019 là 27,5 tỷ đồng.
Mới đây SHB mới đây đã hoàn thành việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ, nâng tổng số vốn điều lệ tại ngày 6/5/2020 lên 17.558 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, SHB sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2019 với tỷ lệ 10% trong 2 quý cuối cùng của năm 2020 này. Khi đó, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên 19.313 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại đại hội lần này, SHB sẽ trình cổ đông thông qua việc chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu của SHB sang Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm chuyển đăng ký niêm yết, lựa chọn đơn vị tư vấn,…
Lý do chính để SHB quyết định "chuyển nhà" sang HOSE trong thời điểm này, bởi bản thân SHB đang muốn "đẩy mạnh hình ảnh" tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và kết nối thị trường quốc tế qua chính nhà đầu tư chiến lược.
Trước SHB, Ngân hàng TMCP Á Châu cũng đưa ra tờ trình thông qua việc chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu của ngân hàng sang Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).
"Xét vị thế của ACB là tổ chức có quy mô vốn hóa lớn hàng đầu trên thị trường chứng khoán niêm yết và hiệu ứng chuyển sàn, HĐQT nhận thấy đây là thời điểm cần chủ động chuyển đăng ký niêm yết có thể đem lại một số lợi ích như: Cổ phiếu ACB nhiều khả năng sẽ được lọt vào rổ chỉ số của HOSE với tỉ trọng đáng kể như VN30 (tỉ trọng khoảng 4%), VNDIAMOND (10%), VNFINSELECT (12%), VNFINLEAD (12%)… ", tài liệu họp nêu.
ACB cho rằng việc chuyển sàn có thể giúp làm tăng giá giá trị thị trường cổ phiếu và đem lại lợi ích cho các cổ đông hơn nữa chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư. "Việc ngân hàng chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu từ sàn HNX sang HOSE chỉ là vấn đề thời gian", ACB nhấn mạnh.
Tại đại hội diễn ra vào 16/6 tới, ACB cũng trình cổ đông phương án phát hành trái phiếu quốc tế với khối lượng tối đa 10% tổng huy động tiền gửi khách hàng, nhằm bổ sung nguồn vốn cấp 2, vốn kinh doanh cho vay trung, dài hạn.
Năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản và tiền gửi khách hàng cùng tăng 12%, tín dụng tăng trưởng theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao là 11,75%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Nhà băng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận khá thận trọng với mức lãi trước thuế khoảng 7.636 tỷ đồng (năm ngoái là 7.516 tỷ đồng). Ngân hàng trình cổ đông phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận năm 2019. Theo đó, vốn điều lệ ACB sẽ tăng từ mức 16.627 tỷ đồng lên hơn 21.615 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý IV năm nay.